Xuất khẩu rau quả sang Nhật: Tăng trưởng nhanh nhưng còn khiêm tốn
- Thứ tư - 28/02/2018 02:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, giá trị XK rau quả sang thị trường này còn khá khiêm tốn so với tổng giá trị XK rau quả Việt Nam cũng như so với giá trị NK rau quả vào Nhật Bản.
Thanh long – một trong những loại trái cây đã được XK sang Nhật |
Trong năm 2017, Nhật Bản là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất của rau quả XK Việt Nam. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm qua, XK rau quả sang Nhật Bản đạt giá trị 127,2 triệu USD, tăng tới 69,3% so với năm 2016. Trong top 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam trong năm 2017, Nhật Bản là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất.
Đầu năm nay, XK rau quả sang Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1 vừa qua, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 10,645 triệu USD, tăng 77,54% so với tháng 1/2017. Đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất trong top 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam.
Tuy nhiên, giá trị XK rau quả sang Nhật Bản vẫn còn khiêm tốn so với tổng giá trị XK rau quả của cả nước.
Xuất khẩu rau quả đầu năm tăng mạnh Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính trong tháng 2, XK rau quả đạt khoảng 354,4 triệu USD, tăng tới 90% so với tháng 2/2017. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm nay, XK rau quả ước đạt trên 737 triệu USD, tăng 75,2% so cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 2 tháng qua, NK rau quả ước đạt trên 285 triệu USD. Tính ra, trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu rau quả trên 452 triệu USD. |
Năm 2017, dù là thị trường lớn thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng Nhật Bản mới chỉ chiếm 3,63% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, thua rất xa so với thị trường Trung Quốc (chiếm 75,7%).
Trong tháng 1/2018, giá trị XK rau quả sang Nhật Bản chỉ chiếm 2,77% tổng giá trị XK rau quả cả nước (383,725 triệu USD).
So với tổng giá trị NK rau quả của Nhật Bản, giá trị của rau quả Việt Nam đưa vào nước này cũng rất khiêm tốn. Theo Bộ Công thương, trong năm 2017, Nhật Bản đã chi ra tới 9,5 tỷ USD để NK rau quả, tăng 2% so năm 2016.
Trong số những nước XK rau quả sang Nhật Bản, Việt Nam chỉ đang đứng thứ 13 với thị phần rất nhỏ là 1,4%. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đang có giá trị và chiếm thị phần lớn về rau quả NK của Nhật Bản như Trung Quốc (3,06 tỷ USD; 32,1%), Philippines (880,7 triệu USD; 9,2%), Thái Lan (352,861 triệu USD; 3,7%)...
Việt Nam hiện mới chỉ XK được một số mặt hàng rau quả sang Nhật Bản như thanh long, xoài, vải thiều, chuối, lá tía tô, mùi tây...
Với thị phần còn quá nhỏ bé như trên trong khi Nhật Bản là thị trường có nhu cầu rất lớn về rau quả NK, Bộ Công thương cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh XK rau quả sang thị trường đầy tiềm năng này. Để làm được điều đó, các DN Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của Nhật Bản về kiểm dịch thực vật, ATTP... Nhưng nếu đã đáp ứng được những yêu cầu của Nhật Bản, thì rau quả Việt Nam cũng có cơ hội lớn để XK sang những thị trường khó tính khác.
Để đưa một loại quả tươi Việt Nam sang Nhật Bản Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tổng hợp các bước cơ bản để đưa 1 loại quả tươi sang Nhật Bản. Cụ thể như sau: 1. Đàm phán giữa 2 cơ quan chuyên trách của chính phủ đưa ra nhu cầu của phía Việt Nam và được phía Nhật Bản chấp nhận xem xét (Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản và Bộ NN-PTNT Việt Nam). 2. Phía Việt Nam tiến hành khảo sát lập danh sách sâu bệnh đối với loại quả đó và gửi phía Nhật kiểm tra, xem xét. 3. Nếu thấy có thể xử lý được các loại sâu bệnh đó thì phía Nhật sẽ đưa ra phương án, kỹ thuật cũng như công nghệ và thiết bị để Việt Nam tham khảo. Khâu này thường phức tạp và tốn kém nhất, mất thời gian thử nghiệm. Ví dụ quả thanh long của ta phải vay ODA của Nhật và mất tới 3 năm chỉ để thử nghiệm từ khâu trồng trọt đến xử lý côn trùng. 4. Khi nhận được kết quả báo cáo của cả quá trình thử nghiệm, phía Nhật Bản bắt đầu xem xét và lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học chuyên môn và của cộng đồng (thường nhanh nhất là 6 tháng đến 1 năm). 5. Khi có kết quả điều tra, lấy ý kiến cộng đồng, phía Nhật Bản sẽ ra quyết định cho phép và thông báo quả tươi đó của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Nhật Bản. Tuy nhiên, để quả tươi thực sự được thông quan tại Nhật Bản, còn 1 khâu quan trọng nữa là kiểm tra ATVSTP do các trạm kiểm nghiệm của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản tại cửa khẩu thực hiện. Nếu quả tươi đó dù đã được xử lý côn trùng nhưng dư lượng thuốc nông nghiệp quá mức quy định của Nhật Bản thì vẫn bị trả về. Tổng thời gian các bước tùy thuộc vào loại quả có nhiều loại côn trùng cần xử lý hay không, cần nhiều thời gian thử nghiệm hay không, trung bình từ 3-5 năm. |