Xúc tiến tiêu thụ nông sản: Cách làm hiệu quả ở nhiều địa phương
- Thứ sáu - 22/11/2019 09:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hướng đi đúng và trúng
Nhiều tỉnh ở phía Bắc như: Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang... có điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung. Thực tế nhiều địa phương đã khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng của mình, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La năm 2018 thành công với GDP toàn ngành đạt 7.229 tỷ đồng, tăng 12,63% so với năm 2017 và cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong đó, xuất khẩu 135.000 tấn nông sản, tổng giá trị hơn 112,6 triệu USD, vượt hơn 40% kế hoạch đề ra. Chưa có năm nào sản xuất nông sản Sơn La lại có sự bứt phá như vậy.
Theo thống kê, năm 2018, Sơn La đã tổ chức thành công 9 lượt “tuần hàng nông sản an toàn” và tiêu thụ khoảng 24.000 tấn nông sản tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội. Trong đó, hệ thống siêu thị BigC tiêu thụ 645 tấn rau, củ, quả các loại, tăng 15 lần so với năm 2017.
Tại Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La năm 2018, chỉ tính riêng sau ba tuần lễ tổ chức, tỉnh tiêu thụ được 500 tấn nông sản, chủ yếu là nhãn. Sản phẩm nông sản chủ yếu được đưa vào các siêu thị lớn như Intimex, HaproMart, Vinmart, BigC, LotteMart.
Nhiều đơn vị đã ký cam kết tiêu thụ nông sản với các công ty, nông hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2018, Sơn La còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Thông qua những hoạt động trên, một sản lượng lớn nông sản đã được tiêu thụ và giúp thương hiệu nông sản của Sơn La được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhờ vậy, tỉnh xuất khẩu 3.500 tấn xoài sang thị trường Australia, Trung Quốc, kim ngạch 1,75 triệu USD; xuất khẩu khoảng 5.000 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, xuất chào hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, kim ngạch hơn 11 triệu USD.
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, vai trò của công tác xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp rất quan trọng, nhất là trong việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản ổn định và có giá trị cao, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại, công tác xúc tiến thương mại nông sản luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, mang lại giá trị gia tăng cao.
Hiệu quả từ cách làm bài bản
Xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều địa phương làm tốt công tác này. Một số địa phương còn thiếu sự nhanh nhạy, linh hoạt; doanh nghiệp cũng chưa quyết liệt, mặn mà trong mở rộng, tìm kiếm thị trường mới. Sự bứt phá về tiêu thụ nông sản của các tỉnh Bắc Giang, Sơn La chủ yếu nhờ vào nỗ lực, quyết tâm và cách làm của từng địa phương.
Từ cách làm bài bản, riêng diện tích vải thiều năm 2019 của Bắc Giang đạt trên 28.000ha, trong đó có 13.855ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP, 218 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP - được Mỹ cấp mã số IRADS (18 mã số vườn) với 394 hộ.
Đặc biệt, Trung Quốc đã cấp 149 mã vùng trồng vải thiều, với diện tích trên 16.000ha và 86 cơ sở đóng gói; các cơ sở đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tổng giá trị thu được từ vải và các dịch vụ phụ trợ đạt gần 6.500 tỷ đồng. Giá vải thiều duy trì ở mức cao, 30.000-60.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới hơn 70.000 đồng/kg. Với giá này, tính bình quân giá trị thu được lên đến 230 triệu đồng/ha.
Tại Sơn La, năm 2018, có 41 đơn vị thực hiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap. Đã xây dựng thương hiệu cho 17 sản phẩm nông sản. Từ tháng 3/2017, tỉnh bắt đầu gắn tem nhãn điện tử thông minh nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Hết năm 2018, Sơn La có khoảng 84.030 hộ sản xuất và kinh doanh 58.824ha cây ăn quả. Nhiều diện tích cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; Na Hoàng 1 tỷ đồng/ha.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu của Sơn La đạt 100,4 triệu USD, tăng 11,4%. Thị trường xuất khẩu ngày được mở rộng như: Trung Quốc, Campuchia, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tại Hòa Bình, đến tháng 5/2019, diện tích cây ăn quả có múi đạt 10.200ha, trong đó có 5.311ha cam, quýt, 4.443ha bưởi, 426ha chanh; năng suất bình quân đạt 239 tạ/ha, sản lượng hơn 123.700 tấn, gấp 3 lần so với năm 2015.
Nhiều địa phương ở Cao Phong, Tân Lạc có diện tích vườn tạp được cải tạo trồng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, chanh, nhãn, thu nhập bình quân 400 - 600 triệu đồng/ha/ vụ.
Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm - tầm nhìn xa
Có thể nói, việc các địa phương có chính sách, cách làm bài bản cho ra những sản phẩm nông sản chất lượng là chưa đủ. Để xây dựng thương hiệu, được khách hàng biết đến, tiêu thụ tốt, nâng cao giá trị không thể không làm công tác xúc tiến tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La Lê Quang Trung cho biết, để xúc tiến thương mại nông sản đạt kết quả tốt, trước hết, ngành nông nghiệp phải có sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng cung ứng ra thị trường. Hiểu rõ được điều đó, Sơn La tập trung sản xuất các sản phẩm nông sản bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Cùng với đó là xây dựng hồ sơ sản phẩm như: xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, GAP, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông sản, tạo niềm tin đối với khách hàng. Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng các bản tin, clip, hình ảnh về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản an toàn, giới thiệu quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm nông sản. Trong tiêu thụ nông sản, xuất khẩu là khâu đột phá nhưng cũng cần cân đối cung cầu, phù hợp điều kiện và năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân và thương nhân trong tỉnh.
Đối với cơ quan chức năng, cần thực hiện tốt từ khâu chỉ đạo đến sản xuất thực tiễn. Một điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải nắm thông tin về nhu cầu người tiêu dùng, đánh giá, phân tích thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Qua đó, định hướng sản xuất, tạo mọi điều kiện cho nông dân sản xuất ra sản phẩm đủ số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn; tiêu thụ được sản phẩm, lựa chọn nơi, thời gian, quy mô, hình thức xúc tiến thương mại cho từng loại sản phẩm cho phù hợp - tiết kiệm, nhưng hiệu quả cao.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản năm 2019, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, phát huy kinh nghiệm của những năm trước, Bắc Giang đã chủ động công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều, phân công nhiệm vụ cụ thể để các ngành, các địa phương làm căn cứ, chủ động thực hiện từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ.
Xác định được khách hàng và thị trường tiêu thụ chính của nông sản, UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với chính quyền thị xã Bằng Tường tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ đối với quả vải thiều tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là có hội để quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông, sản phẩm văn hóa du lịch của mình.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, các tuần lễ, hội chợ là cơ hội tốt để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất gắn với chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiêp, nâng cao giá trị sản phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn; xây dựng thương hiệu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc khi mặt hàng trưng bày tại hội chợ hoặc trung tâm thương mại. Các địa phương khi tham dự những hội chợ, triển lãm cần lựa chọn loại hình hội chợ, lựa chọn doanh nghiệp có mặt hàng phù hợp, đặc trưng vùng miền.
Có thể nói, công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm mà các địa phương đang triển khai thời gian qua là khâu rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, cần được nhân rộng.