Yên Bái: Phát huy vai trò của tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp

Yên Bái: Phát huy vai trò của tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy sức mạnh, liên kết hợp tác sản xuất tăng sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Qua đó, vừa phát huy thế mạnh và giá trị bản chất kinh tế hợp tác, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chưa bao giờ nghề trồng cây dâu, nuôi con tằm ở xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái) lại phát triển mạnh như thời điểm này. Toàn xã có gần 20 ha dâu với tổng số gần 100 hộ trồng dâu nuôi tằm. Nhà ít thì vài sào, nhà nhiều thì vài ba mẫu dâu. Đây không chỉ là kết quả của hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi được xã quan tâm mà còn là kết quả ở chính nội lực, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau của chính những hộ dân.

 

Nhà ít thì vài sào, nhà nhiều thì vài ba mẫu dâu

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Phương ở thôn Sông Hồng có hơn 2 mẫu đất trồng dâu cho thu 1,2 tấn lá/năm, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi khoảng 3 lứa tằm/ tháng, mỗi lứa cho khoảng 2,5 vòng tằm. Một năm, gia đình bà Phương xuất bán ra thị trường vài tạ kén với giá bán 100 nghìn đồng/kg kén, bà Phương cũng thu về hơn 150 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, năm 2018 bà liên kết các nhóm trồng dâu nuôi tằm tại thôn thành lập tổ hợp tác để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trồng, chăm sóc tằm và đầu ra cho sản phẩm. Đến nay tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm thôn Sông Hồng đã có tới hơn 40 tổ viên.

Là một trong những tổ viên của Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm thôn Sông Hồng, gia đình chị Phạm Thị Mai mỗi năm cũng có nguồn thu 100 triệu đồng tiền lãi từ nuôi tằm, cao gấp khoảng 6 lần so với trồng ngô. Quá trình tham gia tổ hợp tác nhờ được tiếp cận với kỹ thuật nuôi tằm con và tham quan các mô hình sản xuất, từ đầu năm 2019 đến nay gia đình chị đã chủ động xây dựng nhà nuôi tằm con để chủ động được nguồn giống và cung cấp một phần cho các tổ viên trong tổ hợp tác.

Từ hiệu quả của Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở thôn Sông Hồng, các nhóm hộ sản xuất nông nghiệp khác như nuôi gà, trồng rau an toàn, nuôi thỏ trong xã Xuân Ái cũng tích cực hỗ trợ giúp đỡ nhau về vốn, tổ chức các buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm. Trên cơ sở đó tích cực thành lập các tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở tự nguyện, các tổ viên chủ động trao đổi, bàn bạc tìm hướng đi tối ưu nhất, mạnh dạn đầu tư vào việc phát triển sản xuất.

Một HTX hoạt động có hiệu quả từ nhiều năm nay là HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành ở huyện Trấn Yên. HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng, thu mua và sơ chế măng tre Bát độ. Xã viên nòng cốt của HTX cũng chính là những người trồng tre măng. Họ liên kết và tập hợp nhau lại để cùng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch sản phẩm. HTX chủ động thu mua măng cho xã viên và bà con nhân dân tại địa phương, xây dựng xưởng chế biến măng tre Bát độ ngay tại trung tâm vùng nguyên liệu của xã. Để phát huy thế mạnh từ măng tre Bát độ, HTX đã mạnh dạn liên kết cùng công ty CP Yên Thành phối hợp sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông dân. Từ chỗ chỉ thu mua và sơ chế măng, đến nay HTX đã có thể thực hiện được măng muối xuất khẩu.

Ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên cho biết thêm: “Năm 2012 Hợp tác xã mới có 10 thành viên, đến nay số lượng thành viên Hợp tác xã đã tăng lên là 20 người. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã ký hợp đồng với các thành viên Hợp tác xã cũng như bà con trong xã về giá cả cũng như chất lượng măng thu mua. Đầu năm 2018, Hợp tác xã đã ký Hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành 10 năm để liên kết chế biến sản phẩm tre măng Bát độ. Năm 2018, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm chế biến phần ngọn, sang năm 2019 chúng tôi sẽ xử lý phần ống nhằm chế biến sâu hướng tới xuất khẩu nước ngoài.”

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 185 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm hơn 50% tổng số HTX của tỉnh với gần 8000 thành viên tham gia. Các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu hoạt động theo các mô hình kinh doanh tổng hợp như: kết hợp dịch vụ sản xuất với chế biến, cung cấp giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật canh tác và một số HTX bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên và nông dân. Thông qua đó, giúp nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, giải quyết được tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng yêu cầu của đơn vị đặt hàng. Một số HTX đã tham gia vào chuỗi giá trị, sản phẩm của các HTX được xuất khẩu ra nước ngoài, tiêu biểu như: HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn với sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn Unilever xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài; sản phẩm quế vỏ và tinh dầu quế của HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm , HTX 6/12 xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên…

Hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã  nông nghiệp thời gian qua kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng được nhãn hiệu đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái có chỗ đứng trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp.   

Thanh Tiến/ Khuyến nông