Yên Thế phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Yên Thế phát triển nông nghiệp gắn với du lịch
Yên Thế (Bắc Giang) có nhiều lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp với nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm; và nhiều di tích lịch sử để phát triển du lịch.
1.jpg
Nuôi gà trở thành một nghề ở Yên Thế, giá trị từ nuôi gà năm 2019 đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Để khai thác cả hai tiềm năng này, những năm qua, huyện có nhiều giải pháp, cơ chế để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.

Phát huy lợi thế

Yên Thế có những cơ chế, giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, xây dụng chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ. Nhiều mặt hàng từng bước đã khẳng định vị thế, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tiêu biểu như gà đồi Yên Thế, chăn nuôi gà đã trở thành nghề đối với nhiều người dân. Hiện, huyện duy trì ổn định tổng đàn 4-4,5 triệu con, hàng năm xuất bán ra thị trường 14 triệu con gà, năm 2019, doanh thu từ con gà đạt trên 1.500 tỷ đồng. Nuôi gà cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm gà đồi Yên Thế liên tục nhận được các giải thưởng do các tổ chức, hiệp hội bình chọn.

Với lợi thế về vườn đồi, năm 2018, huyện xây dựng và ban hành Đề án phát triển chăn nuôi dê thương phẩm, gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Dê Yên Thế giai đoạn 2019-2020. Hiện, huyện có trên 13 nghìn con dê, sản lượng trên 800 tấn/năm, doanh thu hơn 130 tỷ đồng.

Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Dê núi Hồng Kỳ” của Hợp tác xã Tiêu thụ dê và mật ong Hồng Kỳ. Mật ong hoa rừng cũng là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận; sản lượng mật ong đạt trên 90 tấn/ năm. Các sản phẩm chăn nuôi thế mạnh khác như: trâu, bò, lợn, thỏ, hươu sao cũng được Yên Thế quan tâm phát triển.

Cùng với đó, huyện tập trung hình thành nhiều vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm như: vùng sản xuất chè xanh; vùng sản xuất cây căn quả có múi…. Hiện, nhiều sản phẩm đã được thị trường ưa chuộng như: Chè xanh bản Ven của HTX Thân Trường, Chè Thiên Lộc của HTX Hằng Anh.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm huyện trồng mới trên 1.100ha rừng tập trung và hơn 300.000 cây phân tán...

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực, ngoài 3 cây, tỉnh phát triển 2 con (lợn và gà). Trong đó, đàn gà tập trung ở huyện Yên Thế. UBND tỉnh đang thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nâng cao chất lượng đàn gia cầm, đặc biệt là quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết với người chăn nuôi để sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của huyện Yên Thế, trong đó chủ lực là gà đồi và dê.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Yên Thế có 120 di tích lịch sử, trong đó, có 9 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, 7 di tích cấp Quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh; có Lễ hội gắn với người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế; Cây Di sản Việt Nam - Cây Lim xanh ngàn năm tuổi….

Huyện ủy, UBND huyện Yên Thế đã chỉ đạo các điều kiện để giải phóng mặt bằng (khoảng 5.000m2) tại khu di tích đồn Phồn Xương phục vụ cho việc đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình Đình 3 tầng mái; đền Thờ Hoàng Hoa Thám, đồn Phồn Xương, dự kiến khởi công vào cuối năm 2019…

Huyện chỉ đạo phát triển vùng chè nguyên liệu bản Ven; đầu tư các trang thiết bị phục phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ven, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ trong vùng du lịch sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà.

Có thể nói, những năm gần đây, Yên Thế tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại các điểm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt của cuộc khởi nghĩa Yên Thế; du lịch tâm linh sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà và du lịch cộng đồng tại bản Ven. Theo thống kê, bình quân mỗi năm tại khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà và Bản ven Xuân Lương thu hút được khoảng 30.000 lượt người đến tham quan, du lịch.

Theo lãnh đạo huyện Yên Thế, thời gian tới, huyện sẽ rà soát nâng cao chất lượng, giá trị các cây, con hàng hóa có thế mạnh và có chỗ đứng trên thi trường; phát triển vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng. Đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Liên kết tổ chức các sự kiện, các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút khách tham quan, khách đến các điểm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp trải nghiệm.

 Hoàng Văn/ Kinh tế nông thôn