Yêu cầu lớn của cán bộ HTX: Quản trị Hợp tác xã

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, công tác đào tạo cán bộ hợp tác xã (HTX) được gắn với thực tiễn và các mô hình; nặng về bộ môn quản trị HTX; bồi dưỡng kiến thức nghề. Cán bộ HTX không những lãnh đạo giỏi, còn phải thạo nghề để các thành viên nể phục và hướng dẫn họ làm việc tốt. Phó cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lê Đức Thịnh khẳng định, nếu Việt Nam làm tốt những vấn đề trên, chắc chắn mô hình HTX sẽ thành công.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khoa, giảng viên trường Trung cấp nghề & Đào tạo cán bộ HTX miền Nam đang hướng dẫn học viên các nội dung của lớp “Bồi dưỡng Kế toán Hợp tác xã nông nghiệp” tại Kiên Giang.

Nhìn ra thế giới…

Là đất nước có nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp như Việt Nam, nhưng mô hình HTX của Ấn Độ được coi là lực lượng vững mạnh ở châu Á. Công tác đào tạo cán bộ do Liên minh HTX Quốc gia Ấn Độ (UCUI), tổ chức cao nhất, đại diện cho toàn bộ HTX ở Ấn Độ, đảm nhận.

UCUI có 212 thành viên, gồm 17 Liên đoàn HTX chuyên ngành cấp quốc gia; 171 Liên đoàn HTX thuộc các bang; 24 Liên hiệp HTX đa chức năng cấp quốc gia.

Mục tiêu của UCUI là đào tạo cán bộ, dạy nghề cho các thành viên; giáo dục, hướng dẫn nhân dân cùng xây dựng và phát triển HTX. Hệ thống đào tạo được phân thành 3 cấp: Viện Đào tạo Quốc gia có nhiệm vụ đào tạo và cấp bằng cao đẳng, trung cấp về quản trị kinh doanh HTX; Trung tâm đào tạo cấp quận, huyện, đào tạo cán bộ cơ sở và dạy nghề. Nhờ có chính sách và phân cấp đào tạo hợp lý như vậy nên Ấn Độ có đội ngũ cán bộ HTX đạt trình độ cao, tham gia hầu hết vào các hoạt động kinh tế của đất nước.

Khu vực HTX của Ấn Độ có cơ sở hạ tầng rộng lớn, hoạt động trong các lĩnh vực: tín dụng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ, xây dựng nhà ở… Tổng số vốn hoạt động khoảng 18,33 tỷ USD, mạnh nhất là HTX tín dụng nông nghiệp, chiếm 43% tổng số tín dụng trong cả nước. Nổi bật là Liên hiệp HTX sản xuất sữa Amul, BgGujaza (thành lập 1953), lớn nhất Ấn Độ và thuộc tốp kinh doanh đạt hiệu quả cao. Sau gần 50 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp này có 2 triệu cổ phần, sản xuất 1 triệu lít sữa/ngày; sản lượng sữa chiếm trên 42% thị phần Ấn Độ.

 Nhận thấy vai trò lớn lao của HTX trong nền kinh tế quốc dân, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chương trình quốc gia phát triển HTX, với hàng loạt dự án như: chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng, lâm sản và nhiều ngành nghề khác. Ngoài ra, UCUI còn thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển vùng nông thôn lạc hậu; thiết lập thông tin 2 chiều giữa người nghèo nông thôn với HTX. Xúc tiến xuất khẩu; sửa đổi Luật HTX; tạo điều kiện cho HTX năng động, sáng tạo và tự chủ hơn.                 

Tương tự như Ấn Độ, ở Đài Loan (Trung Quốc), hệ thống nông hội (không hẳn là HTX), nhưng có mặt ở nhiều vùng khác nhau. Họ chuyên đào tạo về công tác quản trị cho cán bộ HTX, với 2 mức thời gian: 6 tháng hoặc 1 năm; nhưng có những “cua” chỉ kéo dài vài ngày. Nhà nước trả tiền thầy, học viên lo ăn, ngủ, đi lại; hoặc đơn vị cử người đi học hỗ trợ kinh phí. Sau khóa đào tạo, học viên được cấp chứng chỉ (ví dụ chứng chỉ chủ nhiệm HTX, chứng chỉ nghề đăng ký học). Cán bộ thường học thêm ngành nghề mà HTX đăng ký (nuôi ong, bò sữa, chế biến thực phẩm…).

Liên minh HTX Nhật Bản cũng có hệ thống đào tạo mạnh, với những bộ môn: Quản lý HTX; chế biến nông sản; dạy nghề liên quan đến HTX theo vùng sản xuất. Ví như ở vùng bò sữa, họ chú trọng đào tạo kỹ năng cho nông dân, cán bộ sản xuất về chế biến, kinh doanh sữa. Ngoài ra, Liên minh HTX Nhật Bản còn đào tạo kiểm toán nội bộ (Việt Nam gọi là Ban kiểm soát). Phát triển dịch vụ tư vấn về kiểm toán nội bộ, không phải để “bóc tách” cái sai của HTX mà nhằm uốn nắn, sửa chữa, đánh giá hoạt động hàng năm của HTX tốt/xấu ra sao để kịp thời bổ cứu.         

Chúng ta dạy và học như thế nào?

Ở Việt Nam, việc đào tạo cán bộ, dạy nghề cho HTX do Bộ Nông nghiệp và PTNT và Liên minh HTX Việt Nam đảm nhận. Dù ở lĩnh vực nào, người dạy cũng cố gắng chuyển tải kịp thời kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho người học. Vì vậy, những HTX ra đời sau Luật HTX năm 2012, nếu cán bộ đã qua đào tạo, đều phát triển tốt, chủ động công việc khi có trở ngại.

Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đan Phượng, ông Chu Văn Hòa, cho biết, ngay sau khi chuyển đổi (năm 2013), ông đã tham gia lớp quản lý điều hành HTX ở Học viện Nông nghiệp. Sau ông, các thành viên trong Hội đồng Quản trị (HĐQT) cũng lần lượt đi học. Hiện HĐQT có 5 người, trong đó 4 người có bằng đại học, 1 người bằng trung cấp. Đến thời điểm này, còn 4 phó giám đốc điều hành ở các ban đang tiếp tục đi học.

“Công tác đào tạo cán bộ quản lý HTX hiện đang là nhu cầu bức thiết và là thực trạng chung của cả nước. Nguyên nhân do đa phần cán bộ, thành viên HTX chỉ mới tốt nghiệp THPT, nếu không nâng cao trình độ, không thể điều hành được. Vì vậy, cần thiết phải có những lớp học về quản trị HTX, để đào tạo cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, lãnh đạo giỏi và thạo nghề. Hay nói cách khác là phải có “đầu máy” khỏe mới kéo được đoàn tàu”, ông Hòa khẳng định.

Ông Hòa cho biết thêm, thời gian qua, Liên minh HTX Hà Nội đã làm tốt công tác này. Theo đó, hàng năm Liên minh đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ HTX, năm 2014 có 3 lớp; đầu năm 2016 có 1 lớp, cho cả 3 chức danh (chủ tịch HĐQT, giám đốc, kế toán). Thực tế thấy, ở Việt Nam, 2 chức danh chủ tịch HĐQT, giám đốc thường kiêm nhiệm nên thuận lợi cho HTX khi cử người đi học. 

Giám đốc HTX Chế biến xuất khẩu Hiền Vân (Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Khanh, cho biết, HTX của ông chuyên xuất khẩu dưa bao tử sang Nga, đến nay đã trên 10 năm, chuyển sang hoạt động theo Luật HTX mới năm 2015. Mặc dù có thâm niên xuất khẩu và thạo nghề, song ông vẫn sắp xếp thời gian đi học lớp quản trị HTX. Có 2 động lực thúc đẩy ông, đó là: nâng cao năng lực điều hành, làm tốt công tác xuất khẩu. Mặt khác, ông dự định mời bạn sang thăm cơ sở sản xuất, hợp tác lâu dài, vì vậy phải quyết tâm đi học để không thua kém bạn bè. 

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã VAC Phú Quý (Bắc Ninh), ông Nguyễn Đăng Cường,  cho hay, trước đây ông nuôi vịt trời, cần kiến thức chăn nuôi nên đi học ở Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp. Năm 2015, thành lập HTX theo luật mới, quy mô trang trại nâng từ 2ha lên 42ha; tăng thêm nhiều hoạt động nên ông dự định đi học lớp quản trị HTX để nâng cao năng lực điều hành. Tuy nhiên, ông sẽ tìm hiểu kỹ các lớp học của Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT trước khi đăng ký.

Ở các tỉnh phía Nam, một số cơ sở mở lớp đào tạo cán bộ, dạy nghề cho HTX, mời HĐQT và thành viên HTX đến học, song không ai tham gia. Ngược lại, có nơi HTX hùn nhau góp tiền mời thầy về giảng dạy; đơn vị được mời nhiều nhất là Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT (cơ sở 2, Bộ Nông nghiệp và PTNT). Tại đây, có Trung tâm Đào tạo cán bộ HTX, có đội ngũ giáo viên thực sự am hiểu về HTX. Phương pháp đào tạo linh hoạt, không hẳn là tập trung tại trường, phần lớn được các HTX mời về giảng dạy.

Trao đổi với chúng tôi, Phó cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết: Đào tạo cán bộ HTX không phải trên lý thuyết, mà phải gắn với mô hình. Sinh viên của ta, khi vào đại học không biết HTX là gì, vì các khoa kinh tế không đào tạo bộ môn HTX (chỉ có quản trị doanh nghiệp). Về lâu dài, trong đào tạo đại học phải lồng ghép vấn đề liên quan đến quản trị, kinh tế tương trợ HTX, vì HTX nằm trong loại hình kinh tế tương trợ, không nằm trong dòng kinh tế đầu tư. Mặt khác, các trường đại học cũng là nguồn cung cấp cán bộ cho HTX; ngoài đào tạo nghề cho sinh viên, phải đào tạo nghề cho cán bộ HTX. Trước đây, các trường đại học nông nghiệp trên cả nước đã có lớp HTX, thiên về đào tạo chủ nhiệm HTX, song không phù hợp với thực tiễn nên đã xóa bỏ trên 20 năm. Nay, các trường đại học không cần thành lập khoa HTX, nhưng phải có các môn học về HTX như: công tác xây dựng kế hoạch; xây dựng hợp đồng nông sản; liên kết sản xuất theo chuỗi… để sinh viên lựa chọn, tự do đăng ký môn mình thích.

Ông Thịnh nhấn mạnh: “Khi đào tạo cán bộ HTX, cần chú trọng kỹ năng quản trị HTX, bởi họ thường đã tốt nghiệp PTTH, có kiến thức cơ bản về nông nghiệp. Nay phải đào tạo công tác quản lý, quản trị kinh doanh, xây dựng phương án sản xuất, phương thức quản lý vốn, huy động vốn, xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn… Đồng thời, phải bồi dưỡng kiến thức nghề. Ví dụ: HTX sản xuất nấm, thì giám đốc phải giỏi nghề nấm, nếu không làm được như vậy, thành viên không phục. Mặt khác, còn phải nuôi dưỡng tinh thần HTX từ trong xã viên, không riêng thành viên và Ban quản trị”.


Đào tạo cán bộ HTX không phải trên lý thuyết, mà phải gắn với mô hình. Sinh viên của ta, khi vào đại học không biết HTX là gì, vì các khoa kinh tế không đào tạo bộ môn HTX (chỉ có quản trị doanh nghiệp). Về lâu dài, trong đào tạo đại học phải lồng ghép vấn đề liên quan đến quản trị, kinh tế tương trợ HTX, vì HTX nằm trong loại hình kinh tế tương trợ, không nằm trong dòng kinh tế đầu tư.
Dương An Như
Nguồn: kinhtenongthon.com