Sáng chế "2 trong 1" của một nông dân Nam Bộ

Sáng chế "2 trong 1" của một nông dân Nam Bộ
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc gặp gỡ các nhà sáng chế không chuyên. Có 254 nhà sáng chế không chuyên trong cả nước về dự. Ông Cao Phi Hổ (tức Sáu Hổ) ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang được nhắc đến nhiều bởi sáng chế máy xới trục liên hợp, đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Theo cách làm thông thường hiện nay ở vùng Nam Bộ, khâu làm đất trước khi sạ (gieo) lúa phải có hai công đoạn là dùng máy xới, máy cày hoặc các phương tiện khác làm cho đất tơi xốp, sau đó dùng máy trục san lại cho phẳng và tạo nên một lớp bùn trước khi sạ lúa. Như vậy, nhà nông phải tốn hai lần chi phí thuê máy làm đất. Vốn là người có tay nghề cơ khí lâu năm, ông Sáu Hổ, năm nay 53 tuổi, đã nghĩ ngay đến việc gộp hai công đoạn trên vào một máy, nhằm giảm chi phí khâu làm đất. Hướng cải tiến tuy dễ nhận ra, song thực hiện nó thì không dễ, bởi phải chế tạo toàn bộ một máy mới mà không thể cải tiến từ máy canh tác nào khác. Từ giữa năm 2012, được sự ủng hộ của chính quyền xã và tài trợ kinh phí ban đầu của huyện Châu Thành A, ông Sáu Hổ đã phác thảo trên giấy sơ bộ về nguyên lý hoạt động và kết cấu máy, đồng thời cùng các con, cháu sưu tầm, nhặt nhạnh những chi tiết máy cũ và chế tạo mới nhiều bộ phận. Sau vài lần điều chỉnh, cỗ máy “2 trong 1” của ông đã được đưa ra đồng đất quê nhà chạy thử, cho kết quả khả quan. Ông Sáu Hổ cho biết: “Để chế tạo được chiếc máy này, ông đã mất khoảng 60 công và giá thành tại xưởng khoảng 65 triệu đồng. Nếu đã có sẵn máy nổ, người mua chỉ cần đặt riêng phần máy xúc xới trục liên hợp thì giá còn rẻ hơn nhiều”. Máy gọn nhẹ, khoảng 800kg, di chuyển dễ dàng. Mua riêng máy xới của Trung Quốc giá 75 triệu đồng, máy trục là 45 triệu đồng, như thế cỗ máy của ông đã rẻ hơn hai cỗ máy gộp lại tới nửa tiền. Ông Lê Quang Hà, cán bộ Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Châu Thành A cho rằng, đây tuy là đề tài ứng dụng “cấp huyện” nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân chỉ cần một lần thuê máy là có thể xuống giống, vừa tiết kiệm thời gian lại giảm chi phí thuê máy.
Ông Cao Phi Hổ bên cỗ máy xới trục liên hợp tại xưởng.
 
Sau khi chiếc máy “2 trong 1” đầu tiên đã hoạt động tốt, tiếng lành đồn xa, đến nay đã có nhiều nông dân không chỉ ở Hậu Giang mà các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến tham quan và đặt mua máy. Qua 3 năm, xưởng của ông Sáu Hổ đã chế tạo theo đơn đặt hàng được gần hai chục máy. Ông Nguyễn Văn Khá ở ấp 5, Vị Thanh, Vị Thủy (Hậu Giang) mua máy dùng cho biết, so với việc thuê máy làm đất hai công đoạn, nay dùng máy “2 trong 1” giảm chi phí 40.000 đồng/công, mặt đất được làm tơi xốp, bằng phẳng, sạ lúa dễ dàng hơn trước nhiều. Theo đánh giá của ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ đông xuân vừa qua, ước tính có hơn 95% diện tích lúa của tỉnh được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch, do máy “2 trong 1” được bà con nông dân ưa chuộng, sử dụng nhiều, góp phần làm tỷ lệ cơ giới hóa tăng hơn hẳn so với các năm trước.

 
Theo QĐND