Chính sách hay, thực hiện dở

Chính sách hay, thực hiện dở
Để phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, UBND tỉnh Quảng Trị đã có QĐ 21/2015, ngày 14/9/2015, về việc ban hành định mức thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn giai đoạn 2015-2020. Đến nay, sau hơn một năm quyết định ra đời, nông dân Quảng Trị vẫn gặp khó khi vay vốn trên.

Chính sách hay

QĐ 21/2015 quy định đối tượng được vay vốn là hộ gia đình, cá nhân, HTX, chủ trang trại, tổ hợp tác tại 117 xã NTM và nông nghiệp các phường, thị trấn. Lĩnh vực cho vay nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp phục vụ xây dựng NTM.

Theo đó, tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ 50% lãi suất cho người vay ngắn hạn. Hoặc 50% lãi suất 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 30% cho các khoản vay trung hạn. Để thực hiện QĐ 21/2015, UBND tỉnh Quảng Trị có QĐ 532, ngày 21/3/2016, phân bổ 3,7 tỷ đồng bù lãi suất cho các huyện thị, thành phố. Trong đó huyện Gio Linh được phân bổ 556 triệu đồng, Hải Lăng 544 triệu đồng, Triệu Phong 508 triệu đồng, Hướng Hóa 603 triệu đồng, Vĩnh Linh 580 triệu đồng, trong năm 2016.

07-50-25_thieu-von-1
Nhiều trang trại ở Quảng Trị đến nay vẫn gặp khó vì chưa vay được vốn ưu đãi

Như vậy, khi có nhu cầu vay vốn từ 1 tỷ đồng trở xuống, người vay làm dự án và phương án sản xuất kinh doanh trình lên UBND xã phê duyệt. Còn nhu cầu vay vốn hơn 1 tỷ đồng thì cấp huyện sẽ phê duyệt dự án và phương án sản xuất kinh doanh.

Khi QĐ 21 được ban hành, nông dân Quảng Trị rất phấn khởi, tưởng rằng đây là sự giúp đỡ hiệu quả từ phía chính quyền, tạo điều kiện tốt cho người dân phát triển kinh tế. Song thực tế thì sau hơn 1 năm ra đời, chính sách này vẫn chưa đi vào cuộc sống do những quy định chưa phù hợp của QĐ 21.

Nhiều bất cập

Một trong những người đầu tiên đi vay vốn theo QĐ 21 là ông Nguyễn Đức Hiếu, chủ trang trại nuôi heo ở thôn Hải Hòa, xã Linh Hải, huyện Gio Linh. Ông Hiếu làm dự án xin vay 1 tỷ đồng để xây dựng thêm chuồng heo nái nhằm chủ động nguồn heo giống. Hồ sơ ông làm đã lâu nhưng vẫn chưa vay được tiền. Ông Hiếu cho biết, phía ngân hàng đề nghị phải có tài sản thế chấp, trong lúc trang trại của ông là đất lâm nghiệp nên không thế chấp được. Muốn có tài sản thế chấp, ông Hiếu phải làm chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, nên phải đợi.

Còn tại huyện Triệu Phong, ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau khi có QĐ 21 của UBND tỉnh, huyện đã tổ chức 3 đợt thẩm định liên ngành hồ sơ vay vốn hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất, chuyển hồ sơ đề nghị Agribank huyện cho vay đối với 86 hồ sơ, tổng số tiền vay gần 11 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch vốn hỗ trợ lãi suất được phân bổ cho huyện Triệu Phong năm 2016 là 508 triệu đồng. Hiện vẫn còn hơn một nửa số hồ sơ xin vay vốn theo QĐ 21 đang chờ thẩm định tiếp. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc nên phía ngân hàng chưa chấp thuận cho vay.

Không phải chỉ nông dân ở huyện Gio Linh, Triệu Phong đang gặp khó khăn, ở các huyện, thị khác của tỉnh Quảng Trị, nhiều hộ nông dân vẫn chưa vay được nguồn vốn ưu đãi này. Theo tìm hiểu, thì sau khi được phê duyệt dự án, người vay đến các ngân hàng thương mại vay vốn theo QĐ 21, họ gặp phải vướng mắc ban đầu đó là điều kiện bảo đảm tiền vay. Cụ thể là tài sản thế chấp cho ngân hàng. Trong lúc đó đa số người dân có nhu cầu vay vốn lại không đủ tài sản đảm bảo được yêu cầu của ngân hàng. Nhiều người đi vay ngay từ vòng đầu đã phải dừng lại.

Về vướng mắc trong tài sản thế chấp, ông Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Trị cho biết, theo khung cơ chế cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại NĐ 55 của Chính phủ quy định thì áp dụng được với QĐ 21 của UBND tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, nếu hộ cá nhân vay từ 100 triệu đồng, không phải thế chấp tài sản. Tương tự không có thế chấp tài sản khi vay 200 triệu đồng để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Và không thế chấp tài sản nếu vay tối đa 300 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh. Ông Dũng nói ngoài 3 điều kiện trên, nếu các hộ gia đình vay làm trang trại với mức trên 300 triệu đồng thì phải cần có tài sản thế chấp đảm bảo quy định.

Tuy nhiên, phân tích từ thực tế nhu cầu vốn thì ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, ít nhất người nông dân cần phải đầu tư 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng mới nói chuyện làm được trang trại chăn nuôi heo, gà… Bởi vì với cách xây dựng trang trại hiện đại như bây giờ tốn rất nhiều đồng vốn nên họ cần được vay số tiền nhiều để đầu tư sản xuất hiệu quả.

Song khi vượt qua được điều kiện thế chấp tài sản thì người đi vay lại gặp một vướng mắc khác nữa. Đó là cơ chế bù lãi suất theo QĐ 21 chưa có sự thống nhất giữa các ngân hàng thương mại với UBND các huyện, thị. Cụ thể ở đây là vướng mắc trong quy trình thanh toán hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, làm chậm kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của người dân.

Nếu được vay vốn ưu đãi sớm, những chủ trang trại chăn nuôi sẽ gặp thuận lợi trong sản xuất
Nếu được vay vốn ưu đãi sớm, những chủ trang trại chăn nuôi sẽ gặp thuận lợi trong sản xuất

Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, các huyện muốn phía ngân hàng chuyển danh sách người vay vốn theo QĐ 21 và tỷ lệ bù lãi suất được hưởng sang huyện để huyện chuyển trả số tiền bù lãi cho ngân hàng. Nhưng phía các ngân hàng thương mại không chấp nhận, vì cho rằng cách làm này sẽ bất cập về thời gian trả nợ, sợ huyện trả chậm, trên phần mềm hệ thống của ngân hàng sẽ báo nợ quá hạn, chất lượng tín dụng xấu, mâu thuẫn với điều khoản trả nợ đúng quy định để được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh.

Ông Trương Hữu Toán - Giám đốc Agrinbank huyện Gio Linh cho rằng, tốt nhất là UBND huyện mở tài khoản tại ngân hàng và chuyển tiền bùi lãi suất được cấp theo QĐ 21 về ngân hàng; ủy quyền cho ngân hàng thu lãi suất với các hộ vay theo QĐ 21 đến kỳ hạn trả lãi. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được các bên thống nhất với nhau.

Tiếp tục chờ

Ông Phan Văn Nghi cho biết, trước tình hình nhiều hộ nông dân có nhu cầu mà chưa vay được vốn theo QĐ 21 để phát triển sản xuất, các huyện đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung QĐ 21 theo hướng thuận lợi hơn: Cụ thể hộ vay trả hết tiền gốc và lãi cho phía các ngân hàng thương mại và được phía ngân hàng xác nhận bằng văn bản. Hộ vay mang giấy tờ này nộp lại cho UBND xã. Sau đó UBND xã trình lên huyện trên cơ sở đó huyện chuyển phần hỗ trợ lãi suất về cho xã. Các đối tượng vay tiền nhận bù lãi suất tại UBND xã. Làm kiểu này thì vướng mắc sẽ được tháo gỡ, người dân sớm vay được tiền. Tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa thấy hồi âm từ UBND tỉnh Quảng Trị nên người dân phải tiếp tục chờ đợi.

QĐ 21 của UBND tỉnh Quảng Trị là một chính sách tốt, có hiệu lực 5 năm (2015-2020). Nhưng đã ban hành hơn một năm rồi vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc, nguồn vốn vẫn chưa đến được với người sản xuất. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị sớm có bổ sung, sửa đổi QĐ 21 để chính sách sớm đi vào đời sống.

Lâm Quang Huy
Nguồn: Nongnghiep.vn