Nông nghiệp sạch chờ gói 100.000 tỉ đồng

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cho biết sẽ mở rộng đầu tư, tăng cung sản phẩm an toàn nếu tiếp cận được nguồn vốn 100.000 tỉ đồng mà Thủ tướng khẳng định sẽ dành cho họ.
Nhiều DN đang trông chờ vốn từ gói 100.000 tỉ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: thu hoạch rau tại một cơ sở trồng rau sạch ở Đồng Nai - Ảnh: Quang Định

Các DN đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều băn khoăn vì thực tế từ chính sách đến thực tiễn là một quãng đường khá dài. Hi vọng lần này sẽ có nhiều đổi mới theo hướng thông thoáng và gần với thực tiễn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Nhơn)

Điều mong muốn nhất của 
các doanh nghiệp (DN) hiện 
nay là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có lộ trình và quy định cụ thể điều kiện và hình thức vay từ nguồn vốn này.

Mong và chờ...

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch Công ty An Phú Đà Lạt, cho biết không chỉ cá nhân ông mà nhiều DN trong Câu lạc bộ công nghệ cao nghe tin đều rất phấn khởi trước chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển nông nghiệp, trong đó có gói tín dụng lên đến 100.000 tỉ đồng. Bởi vì làm nông nghiệp tới nơi, đúng nghĩa công nghệ cao cần rất nhiều vốn.

Mỗi hecta đất làm nhà kính, tưới tự động cần đầu tư trung bình khoảng 1 triệu USD (20-22 tỉ đồng) mới đảm bảo cho sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp. Do đó, DN nào cũng mong muốn được tiếp cận gói tín dụng này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Nhơn (Bình Phước), cũng nêu tâm lý chung của các DN đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là rất hào hứng với gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cũng như sự ủng hộ của Thủ tướng với ngành nông nghiệp.

Theo ông Hùng, những chủ trương về nới lỏng hạn điền và gói tín dụng... nếu triển khai tốt sẽ đem lại tín hiệu tích cực cho nông nghiệp VN.

Hiện tại Hùng Nhơn và các đối tác đến từ Hà Lan và Bỉ đang triển khai dự án nông nghiệp sạch gồm chăn nuôi heo, gà thịt, gà trứng, rau củ quả và sản xuất phân bón chất lượng cao với số vốn lên đến 50 triệu USD.

“Chúng tôi vẫn đang triển khai. Nhưng nếu có vốn, dự án sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Đủ vốn, chúng tôi chỉ mất khoảng 2 năm là hoàn thiện dự án thay vì 5 năm”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên theo ông Hùng, các DN đầu tư vào nông nghiệp cũng còn nhiều băn khoăn vì nhiều chính sách hỗ trợ DN, nông dân đã được ban hành nhưng cuối cùng không hiệu quả, người dân rất khó tiếp cận được với các nguồn ưu đãi của Nhà nước.

Cần cụ thể, thông thoáng

Theo ông Hùng, đã có nhiều chính sách ưu đãi tín dụng hay lãi suất dành cho DN và nông dân được ban hành nhưng thực tế người cần thì không thể tiếp cận được.

“Ngân hàng nào cũng đòi hỏi tài sản thế chấp, điều kiện cho vay nông nghiệp hết sức khó khăn nên chính sách cuối cùng vẫn ở trên giấy tờ. Chúng tôi hi vọng lần này sẽ có nhiều đổi mới theo hướng thông thoáng và gần với thực tiễn DN hơn”, ông Hùng nói.

Ngoài ưu đãi về tín dụng, các DN cũng cần nhiều giải pháp đồng bộ trước cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho hay hiện chăn nuôi gà công nghiệp và heo đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thịt nhập khẩu lại ồ ạt nhập vào khiến người chăn nuôi trong nước lỗ nặng nhiều năm qua.

“Giá gà đông lạnh nhập về VN chỉ 13.000-14.000 đồng/kg thì ngành chăn nuôi không thể cạnh tranh được. Có tiền nhưng thiếu chính sách cụ thể thì không khác gì đánh bạc cả”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Văn Thành cũng cho biết thực tế chưa kể gói 100.000 tỉ, ngay gói tín dụng 60.000 tỉ đồng cho nông nghiệp được nêu từ tháng 11-2016 đến nay cũng chưa có DN nào tiếp cận được. Vì vậy, ông Thành đề nghị các cơ quan chức năng cố gắng đừng để gói tín dụng nông nghiệp chậm trễ.

Theo ông Thành, cần chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng, hành động thiết thực từ Bộ Tài chính và NHNN để nguồn vốn đến đúng nơi đúng chỗ với điều kiện thông thoáng hơn...

* Ông Nguyễn Quốc Hùng (vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN):

Sẽ có 100.000 tỉ cho vay nông nghiệp công nghệ cao

Thủ tướng đã có kết luận là dành gói tín dụng 100.000 tỉ đồng để cho vay đối với các DN nông nghiệp công nghệ cao.

Để triển khai, NHNN đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và công nghệ rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn với lãi suất phù hợp để cho DN nông nghiệp công nghệ cao vay.

Toàn bộ nguồn vốn này là của các ngân hàng thương mại chứ không có gói tín dụng nào liên quan đến việc tái cấp vốn hay hỗ trợ từ ngân sách. Với chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn cho vay ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.

Hiện Chính phủ đã có nghị định 55/2015 về cho vay ưu đãi với nông nghiệp nông thôn. Để hỗ trợ thêm, NHNN sẽ kêu gọi các ngân hàng thương mại dành vốn cho vay.

Đến nay, đã có Ngân hàng NN&PTNT dành 50.000 tỉ đồng và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 10.000 tỉ đồng để cho vay nông nghiệp công nghệ cao.

L.THANH

Nguồn: tuoitre.vn