Rủi ro sẽ rất lớn nếu 'tàu 67' không được bảo hiểm
- Thứ hai - 25/09/2017 09:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vòng đời dự án quá dài (11 – 16 năm), trong khi vay người đó 50 – 60 tuổi, liệu thêm 11 – 16 năm họ có làm ăn mạnh như khi đầu lập dự án? Việc quản lý các phương tiện trên biển như thế nào để thu hồi được vốn vay…
Những vấn đề này liệu có được điều chỉnh trong sửa đổi Nghị định 67 tới đây?
Cty bảo hiểm tìm đủ lý do trì hoãn
Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 67 về phát triển thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khẳng định tầm quan trọng của chính sách này. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh cái được thì hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, chưa đảm bảo an toàn hoạt động tàu cá. Chính sách tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu. Chính sách về bảo hiểm chưa hiệu quả. Công tác kiểm soát chất lượng tàu cá đang là vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại. Quy trình đăng kiểm tàu cá còn lỏng lẻo, nếu tàu đi vào hoạt động không tốt, đăng kiểm phải chịu trách nhiệm…
Tàu cá lênh đênh trên biển khơi mà không được bảo hiểm, rủi ro rất cao cho các bên |
Vậy là những bất cập trong thực thi Nghị định 67, Chính phủ đã nhìn thấy rất rõ và đưa ra những nhận định thỏa đáng. Bên cạnh những vấn đề NNVN đề cập ở 2 số báo trước thì vấn đề bảo hiểm tàu cá và ngư dân cũng đang là bài toán nan giải cho các bên (ngư dân, Cty bảo hiểm, nhà nước và ngân hàng).
Theo phản ánh của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thì Cty bảo hiểm PJICO lúc đến tìm ngư dân mua bảo hiểm rất nhanh, nhưng đến lúc ngư dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng cứ lần lữa, tìm đủ lý do trì hoãn.
Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) kiến nghị Chính phủ trong chính sách tín dụng phát triển thủy sản thời gian tới nên áp dụng có chọn lọc, ưu tiên các mô hình liên kết chuỗi, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… thay vì áp dụng chính sách đại trà, không phân biệt giữa mô hình tổ chức sản xuất có tính gắn kết cao với mô hình cá nhân nhỏ lẻ. Chủ tàu phải là thành viên của tổ đội, HTX, nghiệp đoàn nghề cá, doanh nghiệp khai thác thủy sản. |
Phản ánh của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Nghệ An cũng cho thấy ngư dân đang gặp khốn đốn trước việc tắc trách của Cty bảo hiểm. Theo Nghị định 67, để tàu được ra khơi thì bắt buộc các chủ tàu phải mua bảo hiểm. Do vậy rất khó khăn cho các chủ tàu. Sự thực đến nay chủ tàu vẫn chưa được nhà nước hoàn trả lại số tiền được hỗ trợ mà mình đã bỏ ra.
Thế nhưng khi tàu có sự cố hỏng hóc do nguyên nhân khách quan thì sự vào cuộc của các cơ quan bảo hiểm chậm hoặc không thực hiện bồi thường cho người dân.
“Chẳng hạn trường hợp các ngư dân Lê Hội Hưng, Lê Hội Đức ở xã Quỳnh Lập; Trương Văn Trông ở thị xã Hoàng Mai; Cao Văn Ba, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu… bỏ ra mấy trăm triệu bảo hiểm tại cơ quan bảo hiểm PJICO Nghệ An hồ sơ bảo hiểm làm đã lâu đến nay vẫn chưa được bồi thường”, ông Lê Mạnh Hà, Trưởng phòng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân (Agribank Nghệ An) cho biết.
Lãnh đạo các ngân hàng đã cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67 đều kiến nghị Chính phủ cần phải xem lại chính sách bảo hiểm đối với tàu cá. Bởi có một thực tế là ngư dân không muốn mua bảo hiểm trong khi 4 Cty bảo hiểm đang làm theo chỉ định của Bộ Tài chính hiện cũng không mặn mà, họ đang muốn rút ra sau 3 năm thí điểm.
Vậy thì chính sách bảo hiểm phải được xác lập lại để đảm bảo lợi ích cho các bên. Nếu nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho cả chu kỳ 11 – 16 năm/tàu thì liệu ngân sách có đủ cấp bù? Nếu không được cấp bù hoặc ngư dân không mua thì gánh nặng rủi ro sẽ đổ lên vai các tổ chức tín dụng.
Cần cho chuyển nhượng tàu cá 67
Việc sửa đổi Nghị định lần này theo chúng tôi cần xem xét điều chỉnh đối với những chủ tàu do nguyên nhân khách quan trong quá trình thực hiện dự án mà bị bệnh chết hoặc thương tật không thể thực hiện dự án được thì có thể người thân trong gia đình tiếp tục làm hoặc chuyển nhượng cho người khác?
Ngư dân Nguyễn Văn Thân (Thanh Hóa) bảo vay hàng chục tỷ đồng thì phải có trách nhiệm chứ đừng nghĩ đó là tiền cho không |
Theo ông Phan Đức Tiến, Giám đốc Agribank chi nhánh Nghệ An, nếu chủ tàu (chủ dự án) mất đương nhiên có người thừa kế là vợ hoặc con.
Tuy nhiên, vấn đề là chủ tàu khi vay vốn được xác định họ là người có năng lực, kinh nghiệm, khả năng tổ chức sản xuất.
“Liệu khi người đó mất đi, vợ hoặc con có khả năng tổ chức sản xuất được không?”, ông Tiến băn khoăn và kiến nghị Nghị định sửa đổi nên nới lỏng cho phép chuyển nhượng con tàu cho người có khả năng khai thác.
Vấn đề cuối cùng mà chúng tôi muốn đề cập trong loạt bài này chính là công tác kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển cũng như dòng tiền của ngư dân nhằm thực hiện tốt nhất cho thu hồi nợ đóng tàu...
Bởi thực tế, có không ít chủ tàu đi biển dài ngày đã không lắp đặt hoặc tự ý ngắt thiết bị định vị vệ tinh.
Trước thực tế này, Agribank chi nhánh Thanh Hóa đang có kế hoạch sẽ lắp định vị vệ tinh (GPS) cho các tàu cá kết nối được với trạm bờ nhằm quản lý, giám sát được hành trình của tàu.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường sẽ báo cáo với cơ quan chức năng phối hợp, xử lý.
Bộ NN-PTNT là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản. Các phần việc cơ bản, phía Bộ đã hoàn tất và đang tham vấn thêm ý kiến nhằm hoàn chỉnh tốt nhất dự thảo Nghị định trước khi trình Thủ tướng. Người dân kỳ vọng Nghị định lần này sẽ khắc phục các bất cập hạn chế hiện hành cũng như phát huy tối đa các giá trị mà Nghị định 67 đã mang lại. |
Nguồn: nong nghiep.vn