Thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Tháo gỡ 'nút thắt' chính sách

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp sạch UDCNC tại Nông trường Vineco Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào nông nghiệp UDCNC thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn, do còn những “nút thắt” trong chính sách như đất đai, cơ sở hạ tầng, đầu tư...

Ngày 15/9/2017, tại Hà Nội, Báo Kinh tế Nông thôn phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn “Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch UDCNC”.

Khó đạt mỗi địa bàn có 7 - 10 doanh nghiệp UDCNC

Tại diễn đàn, đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin NN&PTNT (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết, đến tháng 12/2015 cả nước có 34 khu nông nghiệp UDCNC đã và đang được quy hoạch xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. 

Ngoài ra, một số địa phương cũng phát triển các khu/cụm nông nghiệp CNC mà chưa kịp đăng ký hoặc công bố chính thức. Trong đó, 18 khu được xây dựng và quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách; 10 khu sử dụng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ các doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư; 6 khu sử dụng vốn ngân sách kết hợp với vốn của DN. Đồng thời, hiện nay trên toàn quốc mới chỉ có 29 DN được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận nông nghiệp UDCNC. 

Ông Nguyễn Anh Phong khẳng định, với số lượng vùng và DN UDCNC như vậy sẽ rất khó đạt mục tiêu của Quyết định 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp UDCNC đến năm 2020 là mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm có 7 - 10 DN, 5 - 7 vùng sản xuất nông nghiệp (SXNN) UDCNC; mỗi vùng sinh thái: 1 - 3 khu nông nghiệp UDCNC; tỷ trọng giá trị SXNN UDCNC đạt 30 - 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, nguyên nhân khiến nông nghiệp UDCNC chưa phát triển về số lượng và chất lượng là do các chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh đối với các DN. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ đất đai, hiện nay chủ yếu là ưu đãi về các mức thuế, phí theo địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao mà thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung, phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ, thường xuyên thay đổi nên việc nhận hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất còn khó thực hiện...

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa vào cuộc vì vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu nông nghiệp ứng dụng CNC rất lớn, giải phóng mặt bằng khó. Cùng với đó, DN chưa mặn mà bởi các DN có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia đầu tư vào khu nông nghiệp CNC; không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi diện tích sử dụng đất và không gian cách ly lớn…

Tháo gỡ vướng mắc để chính sách đi vào cuộc sống

Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp UDCNC, theo các chuyên gia, Nhà nước cần tháo gỡ những “nút thắt” về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, tín dụng... cho DN. Theo đó, quy hoạch đất cho nông nghiệp UDCNC dựa trên cân đối cung cầu, lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội và khả năng đầu tư, giữa thực trạng và dự báo tương lai, ưu tiên đặc biệt cho các khu nông nghiệp UDCNC cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia. Đồng thời, thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang, đất không thực hiện đúng cam kết để giao lại đất dài hạn cho DN UDCNC. 

Bên cạnh đó cần thay đổi về chính sách cơ sở hạ tầng như ưu tiên phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các khu vực quy hoạch dài hạn dành cho nông nghiệp UDCNC; huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp UDCNC; xây dựng thí điểm các khu CNC theo hình thức chọn một DN trụ cột đầu tư, làm quy hoạch, quản lý chung và đầu tư một số cơ sở hạ tầng, sau đó một số nhà đầu tư thứ cấp tham gia, nhà nước chỉ làm đối tác công tư đầu tư một phần nhỏ…. 

Bên cạnh việc rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch và nông nghiệp UDCNC, theo GS.TS Ngô Thế Dân, đại diện Hội Làm vườn Việt Nam, Chính phủ cần hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá các địa phương về việc triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các chính sách đã ban hành đi vào cuộc sống. Ví dụ, chính sách khuyến khích sản xuất theo VietGAP, sản xuất hữu cơ, UDCNC…

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, đối chiếu với tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ NN&PTNT thì tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt gần 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 DN), trong đó cho vay nông nghiệp UDCNC là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng.  
Nam Khánh/thoibaotaichinhvietnam.vn