Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- Thứ hai - 03/11/2014 09:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 3-11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Theo đó, nhiều bất cập trong các luật thuế được đề nghị sửa đổi.
Đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân cho chủ tàu dịch vụ hậu cần
Nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho ngư dân bám biển góp phần đảm bảo an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chính phủ đề xuất Quốc hội miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân Việt Nam là chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài và tàu Việt Nam vận tải quốc tế.
Luật hiện hành đã quy định “Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường” là thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Như vậy, các chủ tàu trực tiếp khai thác thủy sản xa bờ đã được miễn thuế TNCN, nhưng các chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp nước ngọt, xăng dầu... cho tàu đánh cá đang được khuyến khích phát triển nhưng chưa được miễn thuế TNCN.
Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, cá nhân Việt Nam là thuyền viên làm việc cho các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế là đối tượng đặc thù thường không hiện diện ở nước nào quá 183 ngày nên không là đối tượng cư trú của nước ngoài. Theo Luật thuế TNCN sẽ là đối tượng cư trú của Việt Nam và nộp thuế trên thu nhập toàn cầu. Mặt khác, đối với cá nhân là thuyền viên làm việc cho hãng tàu nước ngoài, cùng mức lương được chủ tàu trả thì thu nhập thực nhận của thuyền viên người Việt Nam thường thấp hơn so với thuyền viên nước ngoài do chịu thuế TNCN hoặc do chủ tàu phải trả thuế TNCN cho thuyền viên Việt Nam trong khi nhiều nước có quy định không thu thuế TNCN hoặc thu thấp hơn đối với thu nhập của thuyền viên dẫn đến các chủ tàu không mặn mà với việc tuyển dụng thuyền viên là người Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn và tạo cơ hội cho lao động Việt Nam là thuyền viên làm việc cho các hãng tàu vận tải quốc tế, từ đó góp phần phát triển dịch vụ xuất khẩu, lao động, đảm bảo sự công bằng với người lao động là thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải trên các tuyến quốc tế; đồng thời để khuyến khích chủ tàu là cá nhân cung cấp các dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản đảm bảo các điều kiện cần thiết cho ngư dân bám biển góp phần đảm bảo an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế và thu nhập của cá nhân là chủ tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, theo luật hiện hành, thu nhập từ trúng thưởng hoặc hình thức cá cược, casino là thu nhập chịu thuế TNCN với thuế suất 10% trên phần thu nhập trúng thưởng vượt trên 10 triệu đồng. Nhưng trong thực tế không thể xác định được mức thu nhập từ trúng thưởng của người chơi, hình thức kinh doanh casino cũng đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cao, nhiều nước không thu loại thuế này..., nên Chính phủ đề nghị xem xét bỏ quy định thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng trong casino, đồng thời điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với kinh doanh casino tăng từ 30% hiện nay lên mức 35%.
Ưu đãi công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp, nông thôn
Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định hiện hành thì lĩnh vực CNHT chưa thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN.
Theo ông Dũng, để góp phần giảm nhập siêu, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện các cam kết quốc tế và hiệp định mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cũng như tăng cường phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa đảm bảo cạnh tranh thắng lợi tại thị trường trong nước (90 triệu dân - sức mua bình quân 18-20%/năm) thì cần thiết phải có các chính sách phát triển lĩnh vực CNHT, để CNHT trở thành trụ cột thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung sản xuất sản phẩm CNHT được áp dụng ưu đãi thuế TNDN như sau: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong bốn năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo…
Đồng thời, để chính sách ưu đãi thuế khuyến khích đúng các sản phẩm CNHT cần ưu tiên sản xuất, qua đó phát huy lợi thế cạnh tranh, khả năng sản xuất trong nước và tiềm năng xuất khẩu, khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu hay tham gia chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, thiết bị cho các công ty đa quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội quy định tại dự thảo Luật các tiêu chí, nguyên tắc xác định sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế để áp dụng cho những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.
Cũng theo tờ trình dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế, luật hiện hành chưa có quy định ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Vì thế, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như sau: Áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (nghiên cứu phát triển giống; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp), lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1-1-2016, thu nhập của doanh nghiệp quy định tại khoản này được áp dụng thuế suất 17%.
Không tán thành xóa nợ phạt chậm nộp thuế cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2014.
Trong đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan được xác định là những đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn Ngân sách Nhà nước nhưng chưa được trả nên không có nguồn nộp thuế đúng hạn. Trường hợp các doanh nghiệp có đối tác bị phá sản, phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt hoặc những đơn vị phải vay ngân hàng với lãi suất trên 20%, dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên cũng được xóa nợ.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2008-2013 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do nguyên nhân khách quan như thị trường tiêu thụ khó khăn, tồn kho hàng hóa tăng cao, lãi suất vay ngân hàng cao... dẫn đến việc chậm nộp tiền thuế. Ước tính số tiền phạt chậm nộp có thể được xóa nợ khoảng 4.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan này không nhất trí với đề xuất xóa tiền phạt chậm nộp thuế theo đề xuất của Chính phủ.
“Bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật”, quan điểm của đa số nhận định.
Một số ý kiến khác trong Ủy ban Tài chính Ngân sách lại cho rằng, hiện nay số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động rất lớn nên nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp nợ thuế do Ngân sách Nhà nước nợ doanh nghiệp mới được xóa nợ tiền phạt chậm nộp.
Về đề xuất bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị cần làm rõ hơn về tiêu chí công nghệ. Theo đó, Ủy ban cho rằng chỉ ưu đãi cho các dự án đáp ứng được tiêu chí về công nghệ theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật Khoa học công nghệ mà tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển.
Theo nhandan.com.vn