Cách làm nông nghiệp gắn với du lịch của người Nhật

Cách làm nông nghiệp gắn với du lịch của người Nhật
Tôi tới Tokyo vào mùa lễ hội hoa Sakura, mọi người gọi là hoa anh đào, khi mùa lễ hội ở đây còn ngày cuối và có dịp xem cách làm du lịch của nông dân Nhật.
Khách du lịch tham quan vườn dâu - Ảnh: N.K.H
Khách du lịch tham quan vườn dâu - Ảnh: N.K.H
Đến vào cuối mùa lễ hội, hoa đã nở gần hết, những cánh hoa rụng, gió thổi dồn lại trên mặt hồ, ở một góc trông như tấm thảm dệt bằng hoa.
Sau khi ngắm hoa anh đào, tôi quyết định đến một vùng nông thôn xem người dân Nhật làm nông thế nào. May thay, một bạn trẻ, là học viên cao học ở Nhật và là giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giới thiệu một khu vực nông trại ở TP.Yachiyo, tỉnh Chiba.
Chúng tôi đi tàu điện từ một vùng ngoại ô Tokyo, tàu chạy gần 30 phút thì đến ga để vào nông trại. Đón chúng tôi là Giáo sư Kiyoshi Matsuda và người bạn ông. Xe chạy khoảng 20 phút thì đến nông trại Sugo Fumio (tên của chủ nông trại). Chúng tôi gặp Sugo Fumio. Đó là một người nông dân chất phác, yêu nghề. Sugo kể cho tôi nghe về việc anh liên kết với những người làm du lịch cho khách tới thăm vườn dâu, hái dâu ăn tại ruộng.
Sugo trồng dâu từ tháng 9, đến khoảng đầu tháng giêng năm sau thì có thể đón khách. Mùa đón khách bắt đầu từ ngày 5.1 và kết thúc vào ngày 5.4. Tôi ngạc nhiên vì việc quy định thời gian chính xác. Sugo giải thích người nông dân Nhật làm nông có khoa học kỹ thuật. Ví dụ như vườn của Sugo được che bằng ni lông trên các khung sắt có treo các vòi tưới. Cuối vườn có máy hút không khí và điều hòa độ ẩm. Ngay trong vườn có tổ ong để thụ phấn cho dâu… Tất cả được tính toán chính xác đến từng ngày.
“Sáng nay, những khách du lịch cuối cùng đến thăm vườn và thưởng thức dâu đã về, ngày mai không đón khách nữa, các anh chị là những người cuối cùng của mùa dâu năm nay đấy”, Sugo nói và chỉ cho tôi xem cách anh làm vườn.
Cả vườn có 19 luống, mỗi luống khoảng 400 gốc dâu. Dâu được trồng trên luống, trải ni lông xuống tận rãnh giữa 2 luống để khách tham quan có thể xuống đi dọc luống ngắm và hái dâu. Vườn rộng khoảng 1.000 m2. Sugo có 2 vườn như thế. Mỗi tuần có khoảng 500 - 600 người đến thăm, thứ bảy và chủ nhật thì đông hơn (khoảng 100 đến 150 khách), những ngày khác khoảng 50 người, thứ năm vườn đóng cửa.
Tôi hỏi Sugo mỗi năm ông thu hoạch từ vườn dâu khoảng bao nhiêu? Sugo nói khoảng 4 - 5 triệu yen (720 - 900 triệu đồng) tiền lãi một vườn. Mỗi khách du lịch đến được tham quan và hái dâu. Khách chỉ được hái dâu khoảng 20 phút, vừa hái vừa thưởng thức dâu, ai muốn có thể mua về nhà. Mỗi khách ông được 1.500 yen (270.000 đồng). Số tiền không nhiều hơn so với bán dâu cho cửa hàng là bao, bù lại, Sugo bảo khách có chỗ vui chơi. Hết hôm nay, khách ai muốn mua để tiếp tục xuống thăm và thưởng thức dâu thì ông bán: 1 USD/cây. Một luống nếu bán hết ông được khoảng 400 USD (8,3 triệu đồng), cả vườn nếu bán được 70% thì ông được khoảng gần 6.000 USD (130 triệu đồng) nữa.
Trời đã tối. Tạm biệt Sugo. Tạm biệt nông trại. Tôi cứ ước ao người Việt mình cũng làm nông được như Sugo làm. Bao giờ nhỉ?
 
Theo thanhnien.com.vn