Con cá lóc khủng, hung dữ của miền Tây được bảo tồn ở đây
- Chủ nhật - 16/07/2017 09:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cá tra dầu ở Khu bảo tồn Láng Sen được vớt lên phục vụ nghiên cứu ẢNH: LINH EM
Vùng đất hoang dã còn sót lại của hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười (H.Tân Hưng) có tổng diện tích 4.802 ha, bao gồm phần đất ngập nước, rừng tràm. Trong đó, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (gọi tắt khu bảo tồn) quản lý 1.971 ha, chia làm 12 tiểu khu. Riêng tiểu khu thủy sản tự nhiên có trên 90 loài cá nước ngọt (27 loài đặc hữu sông Mê Kông) được bảo vệ nghiêm ngặt.
Cá tra nặng 43 kg, dài 1,5m
Đến Khu bảo tồn ngập nước Láng Sen những ngày đầu tháng 7, giữa cái nắng oi ả là một khung cảnh tươi mát của những con kênh đầy nước cùng rừng tràm xanh ngát. Anh Nguyễn Linh Em, nhân viên khu bảo tồn cho biết các loài thủy sản sinh sống ở đây đa phần là cá bản địa, chúng sống từ xưa đến nay.
Năm 2004, khu bảo tồn được thành lập, đơn vị đã đắp đê để ngăn những tác động từ bên ngoài vào hệ sinh thái. Vì vậy, các loài cá trong vùng lõi ngày càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Trong nhóm những loài cá “khủng” ở đây nổi tiếng nhất là cá lóc bông, tra dầu, trắm cỏ, hô... Theo khảo sát của khu bảo tồn, có những con cá tra dầu nặng đến 43 kg, dài 1,5 m; cá lóc bông nặng 13 kg, dài 1 m...
Để tránh đánh động môi trường sống tự nhiên của cá, việc can thiệp bằng “vũ lực” để tận mắt chứng kiến loài cá này rất hạn chế. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi lại bỏ qua chuyến thực địa quan sát từ phía trên mặt nước.
Con cá lóc bông dài gần 1 m, nặng 13 kg là loài có hàm răng sắc nhọn, bản tính hung dữ, chuyên ăn thịt các loài cá nhỏ.
Trong lúc di chuyển bằng xe máy từ vùng đệm vào vùng lõi khu bảo tồn, anh Linh Em chỉ tay về phía con kênh nằm dọc đường đi và nói: “Dưới đó là nơi cá lóc bông, cá trắm đang bơi, chúng rất lớn. Cũng tại khu vực này, mấy năm trước khi đi khảo sát, tôi vô tình phát hiện một động nước lớn, nhìn kỹ thì thấy đàn cá lóc bông, mỗi con khoảng chục ký thi nhau táp đứt đuôi con cá lớn đang tức đẻ. Sau khi đàn cá no nê, chúng tôi xuống vớt lên thì thấy cá bị táp là cá chép, nặng khoảng 5 kg”.
Anh Linh Em cho biết thêm, cá lóc bông là loài có răng sắc nhọn, bản tính rất hung dữ, chuyên ăn thịt các con cá nhỏ. Có khi loài cá leo lớn dài cả mét cũng trở thành mồi ngon cho cá lóc bông. Loài cá này còn ăn cả chuột, thậm chí cả vịt trời và chim non đều bị táp đứt chân khi sớ rớ rơi xuống nước.
Những bầy vịt xiêm nuôi tại Láng Sen này cũng dần dần bị cá lóc bông ăn thịt gần hết. Trong lần khảo sát nghiên cứu năm 2014, nhân viên Láng Sen vớt lên con cá lóc bông nặng đến 13 kg, dài 1 m. Nhưng theo anh Linh Em, bên dưới mặt nước tối sẫm này số lượng cá lóc bông to hơn vẫn còn nhiều vô kể.
Ngoài loài cá lóc bông khổng lồ, ở khu Láng Sen còn có loài cá tra dầu nổi tiếng. Cá tra dầu ở đây không phải là loài bản địa. Mỗi mùa nước lên, chúng trôi dạt theo dòng từ thượng nguồn sông Mê Kông về vùng Nam bộ. Đến khi nước rút, một số cá tra dầu không chịu rời đi mà định cư luôn tại khu Láng Sen này.
Theo anh Nguyễn Linh Em, nếu di chuyển sâu vào vùng lõi, chịu khó quan sát sẽ thấy được đàn cá tra dầu mỗi con nặng khoảng 35 kg thường ngoi lên đớp mồi vào buổi trưa. Theo các nhân viên phỏng đoán, trên các tuyến kênh của khu bảo tồn còn có một đàn cá tra dầu khác với số lượng lên đến trên trăm con. Nhưng tín hiệu này không mang lại nhiều niềm vui gì cho khu Láng Sen vì cá tra dầu không thể sinh sản thêm và có nguy cơ bị đe dọa bởi điều kiện thời tiết bất thường ở đây.
Tìm mọi cách để bảo tồn
Tháng 4-2016, khu vực Đồng Tháp Mười xảy ra hạn hán nặng nề và khu Láng Sen không nằm ngoài vùng thiệt hại đó. Gần 2.000 ha rừng tràm trơ gốc và đồng ngập nước vùng đệm khô khốc. Đất đai nứt nẻ vì khô hạn, trong đó có hơn 50 ha sen bị chết khô hoàn toàn. Các loài cá nằm phơi bụng giữa đồng trống. Số lượng cá còn sống tập trung nhiều ở vũng nước tù đọng.
Anh Linh Em huy động toàn bộ nhân viên cùng di chuyển các cá thể động vật và thực vật từ các kênh rạch khô hạn sang vùng an toàn. “Đợt đó, nước cạn, cỏ cháy, cá chết bốc mùi hôi thối khắp nơi. Cá còn sống anh em chúng tôi phải dùng bao tải, dốc sức gom hàng trăm con thả về những kênh có nước. Có nhiều con cá lóc to bằng bắp chân người lớn cũng mém chết, may mà chúng tôi cứu kịp thời”, anh Linh Em cho biết.
Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, chia sẻ để bảo tồn tất cả các loài, khu bảo tồn đã quy hoạch lại nguồn nước có chất lượng tốt để không ảnh hưởng đến cá; tạo nhiều khu vực bãi đẻ, nơi để cá sinh sống. Trước đây, nhiều người dân lẻn vào khu bảo tồn tìm cách chích điện, tận diệt cá để bán. Do vậy, khu bảo tồn luôn cắt cử gần 40 nhân viên thay phiên nhau tuần tra túc trực trên các chòi canh 24/24, tạo thành vùng bảo tồn bất khả xâm phạm đối với những người lạ có ý xấu với thiên nhiên nơi đây.
Riêng ở khu vực vùng lõi, đơn vị thiết lập 4 chòi canh bao quanh và bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Ngoài ra, đơn vị còn kết hợp tuyên truyền đến những hộ dân sống xung quanh chung tay bảo vệ quần thể động thực vật quý hiếm. Nếu bắt được cá to chỉ cần thông báo đến khu bảo tồn sẽ có người đến thu mua lại của dân.