Công bố 15 kỷ lục về sách của Việt Nam

(VOV) - Các kỷ lục về sách lần này ngoài những “cái nhất” hoặc “đầu tiên” còn có phân tích chi tiết lý thú trong các kỷ lục.

Nhân Ngày đọc sách và bản quyền thế giới (23/4), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố 15 kỷ lục trong lĩnh vực xuất bản. Trong các năm qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận khoảng 100 kỷ lục về xuất bản và bản quyền sách.

Đứng đầu danh sách của 15 kỷ lục lần này là “Bộ sách điện tử đa phương tiện đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh” do NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật ấn hành vào năm 2001. Bộ sách này giúp tra cứu thuận tiện về cuộc đời của Bác.

NXB Thông tấn nhận kỷ lục vì “Nhà xuất bản đầu tiên xuất bản Bộ sách ảnh 54 dân tộc Việt Nam”. Bộ sách được làm theo khổ khổ 20x20cm, của NXB Thông Tấn, nhằm giới thiệu hình ảnh của 54 dân tộc Việt Nam đến với đông đảo mọi người trong cả nước.Hiện tại, bộ sách đã xuất bản được 23 cuốn giới thiệu về 23 dân tộc trong tổng số 54 dân tộc anh em ở Việt Nam, những bản thảo còn lại đang biên tập để xuất bản.

Các kỷ lục còn lại thuộc về: Công ty Thái Hà Book (Công ty sách đầu tiên khởi xướng và liên tục triển khai Tết sách 23/4 tại Việt Nam); Công ty văn hóa Phương Trang (Bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn được dịch và chú giải tiếng Việt có số lượng trang nhiều nhất); Công ty phát hành sách Fahasa (Doanh nghiệp có hệ thống nhà sách nhiều nhất); Tổng cục 8 - Bộ Công an (Sự hồi sinh trong tuyệt vọng - cuốn sách tập hợp nhiều bài viết tự truyện của các Tù nhân, Trại viên trên khắp cả nước); Công ty Trí Việt – First News (Đơn vị liên kết xuất bản những bộ sách về sức mạnh ý chí con ngườinhiều nhất).

Các cá nhân nhận kỷ lục trong dịp này, gồm: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (Cuốn sách viết về quốc hiệu, cương vực và tập hợp số lượng bản đồ cổ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhiều nhất); võ sư Phạm Đình Phong (Người viết sách Lịch sử Võ học Việt Nam đầu tiên); nhà thơ Dương Thuấn (Tuyển tập thơ song ngữ sáng tác bằng tiếng Tày – Kinh (Việt) đầu tiên và dày nhất Việt Nam); ông Lê Huy Khoa (Tác giả biên soạn quyển đại từ điển Hàn – Việt đầu tiên); ông Nguyễn Ngọc Phi (Tiểu thuyết trữ tình toàn chữ T nhan đề: Truyện thầy Tổng Thánh Tađêô Trần Trung Thành; nhà văn Bùi Anh Tấn (Nhà văn đầu tiên viết về đề tài đồng tính); nhà tâm lý học Lý Thị Mai (Bộ sách Hỏi – Đáp về kỹ năng sống có số lượng câu hỏi và trả lời nhiều nhất); nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (Sách tuyển chọn nhiều ca khúc nhất viết về Hà Nội: 1.000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội).

Các kỷ lục về sách lần này không chỉ có những “cái nhất” hoặc “đầu tiên”, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã phân tích thêm nhiều chi tiết lý thú trong các kỷ lục trước khi trao. Ví dụ trong 1.000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội với sự góp mặt của 416 tác giả âm nhạc và hơn 300 nhà thơ, thì nhạc sĩ lớn tuổi nhất có lẽ là Nguyễn Xuân Khoát và ít tuổi nhất là Nguyễn Đức Cường với ca khúc Nồng nàn Hà Nội. Hoặc tiểu thuyết trữ tình toàn chữ T nhan đề: Truyện thầy Tổng Thánh Tađêô Trần Trung Thành có hơn 8.000 từ bắt đầu bằng chữ T…

Cuộc thi xếp sách nghệ thuật

Trong ngày 20/4, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc đã diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu hút được đông đảo người tham dự với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Vẽ tranh theo sách trong ngày đọc sách đã dành cho các em học sinh tiểu học yêu thích hội họa với nội dung tranh vẽ về những nhân vật, cảnh vật, con vật yêu thích trong những cuốn sách mà các em đã đọc. Kết quả bức tranh Nàng tiên cá của trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên) đã đoạt giải A. Có thể nói đây là hoạt động nhằm phát huy trí tưởng tượng, trí sáng tạo, sự khéo léo của các em nhỏ trong việc đọc sách và vẽ tranh theo sách, tạo ra một sân chơi lý thú trong ngày hội sách.

Đặc biệt, Cuộc thi xếp sách nghệ thuật lại hấp dẫn người xem bởi những chồng sách được sắp xếp có chủ ý thành những khối hình lạ mắt, sáng tạo thành những khối hình đẹp và ấn tượng, chứa đựng những thông điệp mang nhiều ý nghĩa về con người, cuộc sống, xã hội và tổ quốc. Và giải Nhất đã thuộc về Hải đăng Trường Sa (NXB Thông tin và Truyền thông) và Khuê Văn Các (Công ty TNHH Văn hóa Tràng An).

Ở cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách, Giải Nhất thuộc về trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương; ĐH Văn hóa Hà Nội và ĐH KHXH&NV cùng đoạt giải Nhì; Đại học FPT đoạt giải Ba. Giải thưởng giới thiệu sách hay nhất tiếp tục đến với trường CĐ Sư phạm Trung ương, trong khi đó ĐH Văn hóa Hà Nội giành giải năng khiếu hay nhất./.