Gặp những người "khổng lồ" Việt Nam
- Thứ hai - 02/07/2012 21:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giáp mặt "người khổng lồ"
Trong lịch sử y học Việt Nam được PGS.BS Mai Thế Trạch, BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, khoảng những năm 1960, khi còn là BS ở BV Bạch Mai, Hà Nội, ông đã tiếp nhận bệnh nhân tên Đ.X.Y., 16 tuổi, cao 2,03m, mắc bệnh "khổng lồ". Đến năm 21 tuổi, bệnh nhân Y. cao 2,16m. Do ngày đó khả năng phẫu thuật khối u tuyến yên rất hạn chế (hầu như không làm được) nên vài năm sau, bệnh nhân bị biến chứng tiểu đường và tử vong.
Đây là bệnh nhân mắc bệnh "khổng lồ" đầu tiên tại Việt Nam và đã được đưa vào sách Nội tiết học đại cương, tác giả Mai Thế Trạch - Nguyễn Thy Khuê, để giảng dạy cho SV y khoa. Sau này, PGS Mai Thế Trạch cũng gặp một vài trường hợp khác ở các tỉnh phía Bắc mắc bệnh "khổng lồ" nhưng chỉ cao có hơn 1,8m. Đó là trong lịch sử, còn thời gian gần đây một vài trường hợp "người khổng lồ" có số đo chiều cao "khủng" hơn trước đã xuất hiện khá nhiều, điển hình trong số đó phải kể đến trường hợp của ông Trần Thành Phố, người cho đến nay vẫn đang giữ Kỷ lục Guinness Việt Nam với chiều cao 2,3m.
"Người khổng lồ" Trần Thành Phố.
Chuyện của người đàn ông kỳ lạ này diễn ra từ năm 1965 khi Trần Thành Phố 18 tuổi, cũng như những thanh niên ngày đó, Trần Quang (tên thật của Trần Thành Phố) vào quân ngũ. Trong những năm tháng chiến tranh, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Trong một trận chiến năm 1972, do sập hầm nênTrần Quang bị thương nặng phải vào viện điều trị.
Theo lời kể của "người khổng lồ" thì 2 năm điều trị ở BV ông gần như mất trí nhớ, chiều cao và cân nặng cứ tăng vùn vụt. Từ người cao 1,68m, nặng 68kg, Trần Quang cao lên tới hơn 2,28m, nặng 115kg. Bác sĩ kết luận: cơ thể ông bị cường tuyến yên. Y học đã phải can thiệp bằng hóa chất và chiếu tia xạ để kìm hãm sự tăng trưởng. Đến năm 1974, khi bình phục thì ông mới nhận ra rằng mình đã trở thành "người khổng lồ".
Dù được bác sĩ chẩn đoán chỉ sống được 1 năm, nhưng "người khổng lồ" Trần Thành Phố vẫn kéo dài được sự sống của mình, thậm chí ông còn lấy vợ rồi có tới 4 đứa con lớn lên bình thường. Sống với một thân hình khác biệt nhưng ông không bao giờ bi quan, ngược lại cách trò chuyện hài hước của ông làm cho những người xung quanh luôn vui vẻ. Nhưng do bệnh tật và sức khỏe, người đàn ông "lớn" nhất Việt Nam này đã qua đời vào năm 2010.
Phát hiện thêm "người khổng lồ" mới
Những tưởng rằng sau khi ông Trần Thành Phố qua đời kỷ lục của ông sẽ khó có ai phá vỡ được nhưng một chàng trai mới 21 tuổi, ở huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai được cho là sẽ "dễ dàng" bỏ xa kỷ lục củaTrần Thành Phố nếu không tiến hành điều trị "giảm" chiều cao. Bởi lúc này anh đã cao 2,03m và dự kiến rằng, chiều cao sẽ còn đều đặn tăng lên hàng năm.
BS Trần Quang Khánh, trưởng khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết, lần đầu tiên BV tiếp nhận một bệnh nhân mắc bệnh "khổng lồ" như bệnh nhân Dương Tiến Đ.
Đ. kể ngày nhỏ anh chỉ cao hơn chút so với các bạn, nhưng từ khi học lớp 7 thì đột ngột cao vọt hẳn lên. Từ đó chiều cao của anh ngày càng cách biệt so với các bạn cùng trang lứa. Năm 18 tuổi, Đ. đã cao tới 1,9m. Rất nhiều người đang mong muốn được cao hơn nữa nhưng đối với Đ. chiều cao đặc biệt này lại luôn gây cho anh mặc cảm, khó chịu bởi những ánh mắt lạ lùng, tò mò.
Ngày 15-6-2012, Đ. được giới thiệu đến khám tại khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương. BS Khánh cho biết mới nhìn thấy Đ. và nghe giọng nói ồm ồm đã nghĩ đến bệnh khổng lồ (Gigantism). Tuy nhiên, sau đó, các bác sĩ đã cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để đánh giá hoóc-môn của tuyến yên như hoóc-môn tăng trưởng, chụp cộng hưởng từ để định vị khối u tuyến yên...
Qua kết quả các xét nghiệm, các BS đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh "khổng lồ". Nguyên nhân gây ra bệnh "khổng lồ" là do khối u của tuyến yên tiết ra hoóc-môn tăng trưởng trước tuổi dậy thì ở trẻ (ở nam là dưới 11 tuổi). Theo BS Khánh, những trường hợp khối u của tuyến yên tiết ra hoóc-môn tăng trưởng quá mức sau tuổi dậy thì BV vẫn thường gặp. Bệnh này được gọi là to đầu chi, nhưng chiều cao của người bệnh không tăng, chỉ có mũi, cằm... to ra.
Ở bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi, bàn chân, bàn tay đều to ra, gò má gồ ra, khuôn mày gồ lên, trên đầu sẽ có những bướu xương, hàm dưới nhô ra, răng thưa ra. Bệnh nhân Đ. ngoài chiều cao tăng nhanh, hàm mặt còn bị nhô ra. Nếu bệnh diễn tiến lâu ngày không được chẩn đoán và điều trị, những người mắc bệnh "khổng lồ" có những biến chứng như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm khớp, viêm cột sống dính khớp.
Để ngăn ngừa những biến chứng cho bệnh nhân Đ., các BS chuyên khoa ngoại thần kinh sẽ phẫu thuật khối u tuyến yên cho bệnh nhân. Khối u nhỏ hơn 10mm nên tỉ lệ thành công trong phẫu thuật là 97%. Trường hợp này, nếu được phát hiện và phẫu thuật sớm sẽ ngăn chặn được sự phát triển bất thường về chiều cao. Trong những ngày chờ phẫu thuật, Đ. cho biết, anh đang được các BS can thiệp, dù không thấp trở lại như mọi người nhưng hy vọng sẽ không cao thêm nữa.
Theo PLXH