Kể ra chẳng để làm gì!
- Thứ tư - 08/08/2012 22:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Bác này, trông bác trẻ so với tuổi. Cháu cộng trừ xem năm nay bác bao nhiêu nhé. Cháu biết bác năm cháu lên mười. Khi ấy mẹ bốn mươi. Bác hơn mẹ năm tuổi. Ba mươi năm rồi. Thời gian nhanh như cái chớp mắt. Bác bảo trông cháu đẹp hơn ngày xưa á? Bác cứ hay trêu. Lần cuối cùng bác cháu mình gặp nhau cách đây mười lăm năm, cháu đang tuổi thanh niên căng tràn nhựa sống. Bất luận thế nào, cứ tuổi trẻ là đẹp rồi. Giờ cháu đã là đàn bà đi qua đỉnh dốc đời người lâu rồi nếu tính mốc cuộc đời sáu mươi. Nghĩ cũng lạ, bác nhỉ. Sống cùng thành phố bao nhiêu năm chẳng gặp nhau ngoài đời lại tìm thấy nhau trên mạng ảo. Hai em sống chung với hai bác hay ở riêng? Em gái định cư nước ngoài rồi à? Thế bác có hai cháu ngoại lớn rồi đấy. Chưa có cháu nội hả bác? Em ấy cưới vợ muộn nhỉ? Vậy là bác thua mẹ cháu rồi. Em trai cháu lập gia đình và có hai con trai.
Mẹ cháu mất đầu năm bác ạ. Không bệnh gì hết. Ngủ đêm, sáng dậy kêu mệt nằm ba ngày rồi mất. Bảy mươi rồi. Tiếc là mẹ cháu vẫn khỏe, minh mẫn, còn xem phim, đọc sách, báo trên iPad, còn chăm sóc cây cảnh và lặt vặt việc nhà. Vâng, mẹ cháu đi thanh thản. Thời gian trước khi mất có nói chuyện nhiều với hai chị em cháu, không nhầm lẫn gì.
Bác này, cháu không hiểu sao hồi ấy bác và mẹ không gặp nhau nữa. Thế nhưng, cháu nghĩ mười lăm năm sau này có thể mẹ vẫn nghĩ nhiều đến bác. Mẹ trông cứng cỏi vậy chứ yếu đuối lắm. Bà thích sống trong hoài niệm. Tự tạo cho mình những suy nghĩ lãng mạn để vui. Bác nghĩ xem, người phụ nữ nặng gánh gia đình với một người chồng không phải là không biết lo, nhưng lực bất tòng tâm, có lo cũng không được gì thì việc nuôi dạy hai chị em cháu, tạo mọi tiện nghi vật chất cho con cái từ khi đi học xa nhà đến dựng vợ gả chồng... áp lực đến thế nào! Có gia đình riêng cháu mới hiểu được điều này và thấy mẹ thật vĩ đại. Cháu nghĩ yếu tố khiến mẹ lạc quan không lo nghĩ nhiều đến tương lai là do bà có những người bạn tốt, có thể chia sẻ buồn vui. Tuy rằng đôi khi chỉ là những điều mẹ suy nghĩ về ai đó và đón nhận những quan tâm ấm áp của họ như món quà của cuộc sống.
Bác ạ, tâm lý con người phải có bù trừ để cân bằng, chính vì phải luôn tạo cuộc sống vui vẻ mà mẹ cháu rất hay khóc. Có nhiều lý do để người ta rơi nước mắt nhưng với mẹ cháu, bà thường khóc vì tủi hơn là buồn. Bà chấp nhận nỗi buồn nhưng không chịu được tủi thân hay uất ức. Khóc xong rồi hết, giống như nước mắt tuôn ra lòng thấy nhẹ nhõm vậy!
Nhớ lần bác gọi cháu ra quán ăn cơm trưa với bác và mẹ. Cháu chẳng hiểu giữa hai người có chuyện gì khiến mẹ khóc, nhưng cháu nghĩ có thể khi ấy bác đã hiểu không đúng về những giọt nước mắt của mẹ. Có lẽ bà nghĩ đến cuộc sống êm đềm của gia đình bác và những nỗi niềm hay gánh nặng riêng của bà, không biết giãi bày với ai, càng không thể tâm sự được với bác. Sự tủi thân đồng nghĩa với niềm kiêu hãnh cuối cùng mà bất kỳ phụ nữ nào cũng muốn giấu kín. Tâm lý con người mâu thuẫn ở chỗ khi muốn che đậy việc gì đó để bảo vệ cho niềm kiêu hãnh là lúc họ bộc lộ sự yếu đuối rõ nét nhất.
Cháu nghĩ chính điều đó khiến bà suy nghĩ lại và quyết định không gặp bác nữa chăng? Có lần mẹ cháu nói bâng quơ, chơi với một người kiêu ngạo mình phải luôn dõi theo, quan tâm, tìm điểm khen ngợi họ và không nên thổ lộ chuyện mình bởi chính việc hé lộ tâm sự khiến đối phương càng thấy họ được nâng cao giá trị. Mười lăm năm không hiểu nhau thì thêm một ngày cũng chẳng thể hiểu nhau hơn. Cháu không biết bà nói đến ai.
Ôi, trời hết mưa rồi! Đến giờ cháu phải đi đón con gái. Sáng nay chồng cháu đưa con đi học rồi anh đi công tác. Gặp bác mạnh khỏe, cháu rất mừng. Bác giữ gìn sức khỏe để sống vui với con cháu. Hai em ấy còn đủ cha mẹ tâm sự vui buồn, chứ như chị em cháu giờ chẳng có ai!
Cháu đi bác nhé. À quên, còn chuyện này. Hôm mẹ cháu mất, buổi sáng, lúc tỉnh táo nhất mẹ bảo khi nào có dịp gặp bác nói với bác rằng mẹ cháu không làm việc ấy. Dù mình không làm, nhưng người ta cứ đinh ninh mình làm, cuối cùng giống như mình là người bày trò vậy! Rồi mẹ lẩm bẩm đáng lý ông bà ấy phải cám ơn mẹ về việc đó chứ. Cháu không biết chuyện gì, chưa kịp hỏi kỹ thì mẹ chìm dần vào hôn mê! Mà thôi bác ạ, kể ra chẳng để làm gì, người đã không còn, quá khứ xa tít mù, có thể bác không còn nhớ đó là việc gì nữa, phải không?
Người phụ nữ trẻ rời khỏi quán. Ông cụ còn ngồi lại hồi lâu mới đứng lên. Lục lọi mãi ký ức ông chỉ thấy một màn sương mù trắng đục, lốm đốm vài kỷ niệm đẹp. Ông đâm tiếc, giá mà con người hiểu nhau hơn, mười lăm năm sẽ không dài đến mức ai đó phải nặng lòng về ai đó tới khi nhắm mắt!
theo baohatinh.vn