Những chuyện kỳ bí ở ngôi đền thiêng trên dãy Trường Sơn
- Thứ bảy - 28/01/2012 10:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cái chết bất ngờ sau lời bỡn cợt.
Một ngày hè năm 2004, bị cán bộ đó tổ chức cho anh em trong cơ quan đi thăm,dâng hương tại những danh thắng, di tích cách mạng trên đường 20 Quyết Thắng. Đến hang Tám Cô, khi thắp nhang, bởi thấy anh em trong đoàn toàn thanh niên trẻ, vị cán bộ ấy đã đưa lời bông đùa đại ý rằng, các o trước đây thiếu thốn tình cảm lắm, đoàn chúng tôi toàn thanh niên trẻ đẹp, các o thích ai thì cứ chọn. Câu nói ấy của vị lãnh đạo khiến nhiều người trong đoàn phá lên cười nhưng đồng thời cũng làm nhiều người….xanh mặt. Sau khi đi thăm thú hết lượt, đoàn kéo về liên hoan tại biển Đồng Hới. Thế nhưng, khi đang dùng bữa, mọi người đã vô cùng hoảng hốt khi thấy vị lãnh đạo của mình cứ lấy tay ôm ngực, mặt mày tím tái. Khi mọi người xúm lại đưa đi bệnh viện thì đã không kịp nữa. vị cán bộ ấy mất ngay trên đường đi cấp cứu.
Một nhân viên trước đây từng là đồng nghiệp với vị cán bộ đó kể, hôm ấy, bởi nhà có việc bận nên khi mọi người liên hoan anh phải cáo lui trước. Thế nhưng, chưa về tới nhà thì nhận được tin dữ trên, anh lập cập quay lại. Đi xe mà người anh run bắn. Trò chuyện với chúng tôi, anh kể, ngay sau cái chết của sếp mình, anh và mấy người trong cơ quan đã vội vàng ngược lên hang Cô Tám để làm lễ tạ dù hôm đó anh không có lời nói hay cử chỉ kiếm nhã, bỡn cợt nào. “ không đùa được đâu các ông ạ, các o linh lắm, đùa là có chuyện ngay đấy !”. Đến bây giờ, nhắc lại chuyện xưa, anh vẫn chưa hết bàng hoàng.
Có hai địa danh trên đường 20 mà ai đi qua cũng dành ít phút để thắp hương tưởng niệm đó là “Hang Tám Cô” và cách đó 2 cây số là “Hang Cô y tá”, tức nơi hy sinh của Liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng.
Di tích Hang Tám Cô: Ngày 14/11/1972, máy bay Mỹ ném bom sập cửa hang làm các chiến sỹ TNXP mắc kẹt bên trong. Đồng đội đã nhiều ngày tìm cách tiếp cứu, di chuyển khối đất đá lấp cửa hang nhưng không thể cứu được các anh các chị. Trong trận bom này, 8 nữ TNXP đã anh dũng hy sinh.
- Trần Thị Tơ
- Lê Thị Mai
- Đỗ Thị Loan
- Lê Thị Lương
- Nguyễn Văn Huệ
- Nguyễn Văn Phương
- Nguyễn Mậu Kỷ
- Hoàng Văn Vụ
Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia tại quyết định số 236/VH/QĐ/ ngày 12/12/1986.
“Người âm” giữ của.
Theo ông Lương, mấy năm nay, đền thờ hang Tám Cô là địa chỉ đỏ của nhiều đoàn khách từ trung ương và các tỉnh lân cận. Khi đến Quảng Bình công tác hay khi tham quan danh thắng thế giới Phong Nha . Kẻ Bàng thì mọi người đều ngược rừng lên đây. Bởi đông khách tới thăm nên đền thờ cũng được tỉnh Quảng Bình cùng khách thập phương công đức, đầu tư xây dựng khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng phục vụ việc thờ tự, nếu ở nơi khác thì ngôi đền đã lọt vào “tầm ngắm” của phường …đạo chích. Thế nhưng, theo ông Lương, từ trước đến nay, dù ở giữa bốn bề núi rừng hoang lạnh, dù người trông coi rất ít nhưng đền chưa xảy ra bất cứ vụ mất trộm nào. Ai trót lấy cái gì ở đền thì đều phải lẳng lặng đem trả lại kể cả vô ý cầm nhầm.
Ông Lương kể, ở Quảng Bình có nhiều doanh nghiệp cứ cuối năm lại đưa cả gia đình lên làm lễ tạ, cảm ơn các o, các cậu đã cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió. Một ảnh viện chụp ảnh cưới có tiếng ở Đồng Hới cũng nằm trong số đó. Gần tết năm ngoái, ông chủ ảnh viện trên cũng đã đưa cả gia đình lên đền dâng hương. Sau khi dâng hương xong, mọi người kéo nhau về khu du lịch sinh thái suối nước Mọoc ở gần đó ăn uống. Khi cuộc vui mới chuẩn bị bắt đầu thì mọi người mới hốt hoảng khi thấy thiếu một người, đó là bà lão có quan hệ gần với chủ hiệu ảnh, khi lễ ở đền làm nhiệm vụ phân lễ cho các bàn thờ. Rõ ràng khi lên xe trở về đây mọi người còn thấy bà mà giờ đã mất hút, gọi thế nào cũng chẳng thấy đáp lời. Hoảng hốt mọi người tủa đi tìm thì thấy bà đang úp mặt dưới suối. May mà mọi người tới kịp, đưa bà lên làm các biện pháp hô hấp, cấp cứu. Vừa tỉnh lại, bà ta đã mặt mũi xám ngoét hớt hải bảo: “Trả lại ngay, đi trả lại ngay!”. Trả cái gì? Ai lấy cái gì mà trả?trả cho ai? Thắc mắc ấy khiến mọi người ngơ ngác, khó hiểu. Gặng hỏi bà lão thì bà cũng …..ngơ ngác. Bà kể, không hiểu thế nào khi vừa xuống đây, tự dưng bà thấy người nhẹ bẫng. Rồi như có ai đó đưa lối dẫn đường, dắt bà đi ra suối và đẩy xuống dòng nước lạnh. Trước khi bất tỉnh nhân sự bà còn nghe vẳng bên tai lời ai đó nói: ” Lấy cái gì thì phải mang trả ngay!”.
Nghe bà thuật lại chuyện rùng rợn khó tin ấy, mọi người mới giật mình nghĩ chắc là đã có ai đó lấy thứ gì ở đền khi sáng. Đưa mắt nhìn nhau, nhưng ai cũng bảo, chẳng ai lại đi làm cái việc dại dột đó. Không tìm ra được “thủ phạm”, mọi người mới dốc toàn bộ đồ trên xe ra để kiểm tra…và đúng như lời bà kia nói, trên xe đúng là có đồ của đền thật. Đó là một chiếc đĩa nhựa đựng lễ, không biết ai vô ý đã bỏ nhầm vào đồ của đoàn. Vậy là dừng ngay cuộc vui, mọi người vội vã lên xe quay ngược trở lại đền để trả.
Còn nhớ dịp 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, đền nhận được rất nhiều những lẳng hoa đẹp từ khách thập phương. Đến tham quan, dâng hương, thấy đền có rất nhiều hoa, một lãnh đạo của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã xin các o một lẵng để về bày ở cơ quan mình. Khi xin, bởi là dân bản xứ nên có kinh nghiệm, ông cũng thắp nhang khấn vái đàng hoàng. Tuy nhiên việc ông xin là vậy, việc người bị xin có cho không thì lại là việc khác. Để cẩn thận lẳng hoa lên xe, bắt tay mọi người, ông khởi động xe để về cơ quan. Thế nhưng như nhiều trường hợp khác, xe không chịu nổ. Biết các o , các anh không đồng ý cho mình đem lẵng hoa đi, ông lắc đầu cười mỉm và đem trả lại chỗ cũ. Ra lại xe, ông tự tin đề máy, và sự tự tin của ông đã đúng. Xe nổ ngon lành nhu chưa hề có sự cố gì.
Lại những con số 8 lạ lùng.
Ông Lương kể ở đền thờ hang Tám Cô, luôn xuất hiện những chuyện, những việc liên quan đến những con số 8. Đến bây giờ, mọi người vẫn không thể tin được tại sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên, khó tin đến vậy. Đầu tiên là chuyện cây chuối rừng mọc ở cửa hang, trổ buồng ra liền 8 nải đúng vào dịp cả nước nô nức kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại. Câu chuyện về buồng chuối này thì nhiều người biết, nhiều người bởi hiếu kỳ đã tới tận nơi xem, rồi chụp ảnh đăng tải ở nhiều phương tiện thông tin như một chuyện lạ hiếm thấy ở đời.
Trước cửa hang Tám Cô không biết từ bao giờ đã xuất hiện giống chuối lạ. Nói là lạ bởi giống chuối này có sức sinh tồn khủng khiếp. Chúng mọc xuyên qua kẻ đá và chắc khỏe, xanh bời bời. Có một điều lạ nữa là chuối thường mọc thành bụi, thành khóm nhưng giống chuối ở trước cửa hang chỉ mọc từng cây một. Cứ cây này chết đi thì cây khác mới mọc lên. Nhiều năm quan sát, ông Lương bảo, giống chuối này có tính….kế thừa và nhường nhịn rất cao bởi dù ở dưới gốc, những thân cây bằng ngón tay chìa ra nhưng không phát triển thành cây lớn mà cứ thế lụi tàn. Bao giờ cây lớn chết thì mới có cây khác đội đá vọt lên, thay thế.
Năm 2009, những người trông coi ở đền vô cùng mừng rỡ khi thấy cây chuối trước hang trổ hoa. Mọi người hoan hỉ lắm bởi sắp tới ngày kỷ niệm, cây chuối có hoa sẽ khiến hang đá gồ ghề thêm phần lãng mạn, thơ mộng. Thông thường, chuối mọc ở rừng thì chỉ có hoa, khi kết lại thành buồng cũng chỉ có vài nải lưa thưa chứ không đôm quả chi chít như chuối nhà. Khi hoa chuối nở bung đỏ tía, rủ xuống, phần cuống hoa đã xòe ra những quả chuối bé xíu thì mọi người mừng lắm. Ai cũng ước ao, nếu những quả chuối ấy đậu lại thì ngày kỷ niệm sẽ có thêm món lạ để thắp hương cho các o, các anh, những người vì nước vong thân. Bởi nỗi mừng vui đó, mà cán bộ trông coi đền chăm sóc, nâng niu như báu vật mà đất rừng Trường Sơn ban tặng. Mỗi nải chuối nhô ra xanh mướt là thêm một niềm vui đến những người trông coi đền. Ông Lương kể, thời điểm đó, mọi người cũng chỉ nghĩ, buồng chuối giỏi lắm cũng chỉ đậu được chừng 4 – 5 nải bởi như vậy đã là quá nhiều với giống chuối mọc ở rừng. Và khi đó, mọi người đã nhầm tính, đã phân chia những nải chuối đó ở các bàn thờ trong đền khi đến ngày …thu hoạch. Thế nhưng mọi sự tính toán ấy đã sai bởi buồng chuối không chỉ dừng ở số nải như mọi người đã nghĩ.
Ông Lương kể, một cách tự nhiên, buồng chuối đã kết ở một con số khó tin ấy là…8 nải, ứng với 8 liệt sĩ đã hy sinh trong hang. Lạ kỳ ở chỗ, các nải chuối tiếp theo khi đơm quả thì đều héo rũ và rụng xuống, chỉ còn lại 8 nải mập mạp đậu lại trên buồng. Bởi con số lạ lùng trên nên mọi người đã không cắt buồng chuối xuống như dự định ban đầu nữa mà cứ để nguyên trên cây cho mọi người chiêm ngưỡng. Sắp đến ngày kỷ niệm, thân chuối rũ khô nhưng buồng chuối thì vẫn xanh mởn, không chín vàng như vẫn thường thấy. Chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó, mọi người bảo, sở dĩ chuối không chín là bởi các o, các anh hy sinh trong hang khi tuổi còn xanh.
Tới ngày kỷ niệm, bởi thân chuối úa tàn khó trụ vững nên dù rất tiếc nhưng anh em ở đền vẫn phải quyết định chặt bỏ để dọn dẹp chỗ cho buổi hành lễ kỷ niệm hoành tráng mà nhà nước tổ chức ở ngay tại đền.
Ông Lương kể, khi phân công nhiệm vụ dọn bỏ cây chuối chẳng ai dám nhận. Mãi rồi anh Ng. cán bộ đền nhận cái việc mà ai cũng chối đây đẩy ấy. Chặt cây chuối xong, anh đem cả buồng cả thân cây để ở dưới khe nước ngay gần đó. Lại thêm một chuyện lạ nữa, dù ở dưới khe ẩm ướt, thân chuối đã thối rữa, phân hủy hết mà mấy nải chuối vẫn xanh mướt như đang ở trên cây.
Anh Ng. từ ngày chặt cây chuối xong toàn gặp những chuyện không may. Việc làm ăn của anh toàn gặp trắc trở mà nói như ông Lương và nhiều người là “ cái số nó đen, làm ăn nó không vào”.
Buồng chuối 8 nải đã khiến mọi người ngạc nhiên thì chuyện tắc kè đẻ 8 trứng và kêu 8 tiếng đúng đêm kỷ niệm còn khiến mọi người thất kinh gấp bội. Ông Lương kể, ở đền từ lâu lắm rồi có đôi tắc kè từ rừng già đến trú ẩn. Đôi tắc kè ấy đánh bạn với những người coi đền đã được gần chục năm, cứ khi trở trời lại kêu inh ỏi khiến mọi người thấy vui tai, cảnh vật bớt phần quạnh quẽ. Cách đây ít lâu, cặp tắc kè ấy đẻ trứng, sinh con. Không như những sinh vật khác, ổ trứng tắc kè dính chặt vào tường ở ngay gian giữa đền thờ. Chưa thấy tắc kè đẻ trứng, sinh nở bao giờ nên việc ấy khiến anh em ở đền lạ lắm. Cũng giống như buồng chuối kỳ lạ trên, anh em đã đoán già đoán non về lượng trứng mà đôi tắc kè sản sinh. Người đoán thế này, người đoán thế kia nhưng tất thẩy đều sai hết bởi chẳng ai nghĩ tới con số 8 lạ lùng. Và rồi, cái con số không ai nghĩ đó lại hiển hiện trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Đôi tắc kè đẻ đúng 8 trứng thì dừng lại. Ông Lương kể, sau vài tháng dính chặt trên tường, 8 quả trứng đó nở ra 8 chú tắc kè con, chẳng hỏng quả nào. Nhưng ngày trứng chưa nở, khách đến dâng hương đều ghé thăm ổ trứng đó, rồi thi nhau bàn tán, tranh luận tới lui về sự trùng hợp lạ kỳ đó.
Sự bất ngờ còn chưa dừng lại ở đó. Đêm lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại được đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng nghìn khách thập phương về dự. Buổi lễ trang trọng, xúc động, hoành tráng này đã được truyền hình trực tiếp. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị “tổng tư lệnh” đường Trường Sơn năm nào bùi ngùi đọc bài diễn văn khai mạc buổi lễ. Sau bài diễn văn khiến nhiều người rơi nước mắt đó, vị tướng già quay mặt về phía cửa hang xúc động nói: “ Giờ phút thiêng liêng này, cho phép tôi, những người còn nằm lại trên rừng Trường Sơn huyền thoại này!”. Lời của Trung tướng vừa dứt, khi mọi người còn đang im phăng phắc bỏ mũ, cúi đầu tưởng nhớ các anh hàng liệt sĩ thì bất ngờ trong hang, những tiếng “tắc kè, tắc kè” trong vắt, lanh lảnh cất lên. Khó tin hơn, những âm thanh dứt khoát đều đều đó phát ra đúng 8 lần rồi bặt hẳn. Một phóng viên tham gia buổi lễ đó kể lại với tôi rằng, sau khi nghe rõ mồn một 8 tiếng tắc kè trên, anh thấy lạnh toát sống lưng. Tuy nhiên, đó không phải là cảm giác của sự sợ hãi mà là anh cảm thấy các chị, các o, các anh thanh niên xung phong đang ở đâu đó quanh đây, đang giỏi theo từng hành động, cử chỉ của mọi người. Và sau cảm giác khó tả ấy là nước mắt. Không chỉ anh mà hầu hết những người có mặt ở buổi lễ đó đều khóc, ấy là những giọt nước mắt tiếc thương, cảm kích dành cho những người hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giãi phóng dân tộc.
Con số may mắn và chuyện các o cho “lộc”
Sự linh thiêng của hang Tám Cô giờ đã vang danh khắp chốn. Bởi sự linh ứng kỳ lạ đó mà nhiều người đến đây còn đem theo cả mong muốn xin các o, các anh phù hộ để may mắn trong việc đánh ….lô đề. Thực ra mọi người “cầu đề”, “cầu lô” ở đây là có căn nguyên. Ông Lương kể, trước đây, ở đền đã có một anh cán bộ trúng số ăn bạc triệu nhờ các o, các anh hi sinh ở trong hang… “cho lộc”. Người cán bộ đó một lần quyết dọn ở đền anh phát hiện có tổ chim lạ. Trèo lên thì thấy tổ chim có 2 quả trứng bé xíu, lấm chấm trắng đen. Thấy có tổ chim lạ, anh gọi mọi người đến xem và ai cũng tỏ thái độ ngạc nhiên, thích thú. Trong số ấy, có cả những khách thập phương vừa đến dâng hương ở đền. Một vị khách gợi ý bảo, thấy trứng chim là may lắm đấy, hôm nay đánh 20 không ăn đề thì dứt khoát ăn lô. Quả trứng hình tròn tức là số 0, hai quả thì tức là 20, vị khách đó suy luận đơn giản vậy. Mọi người nghe vị khách ấy nói thì cũng chỉ biết vậy chứ ở đây có ai chơi cái món may rủi đó đâu, thêm nữa, chốn mịt mùng hoang sơ này, có muốn chơi cũng chẳng biết ghi ở đâu nữa.
Tới chiều, anh Th có việc phải xuống Phong Nha. Xong việc, lấy xe về thì anh phát hiện quầy sổ xố ở ngay canh nơi mình gởi xe. Sực nhớ tới tổ chim khi sáng, nhớ tới lời vị khách tới viếng đền khi sáng, sau một hồi lưỡng lự, anh tạc vào. “Thì cứ thử một phen xem vận mình đến đâu, mà đã đánh thì phải đánh lô xiên ăn cho đậm”. Nghĩ vậy móc túi lấy mấy tờ tiền lẻ, anh chọn số 208. Sở dĩ anh chọn số này bởi ý nghĩ thấy 2 quả trứng ở trước cửa hang Tám Cô thì không thể thiếu con số 8. Ghi xong, anh trở lại đền và cũng quên luôn chuyện đó. Mấy ngày sau, lại có việc xuống Phong Nha nhớ tới việc mình ghi lô trước đó, anh tất tả tạt vào. Bất ngờ thay, người chủ rạp mừng rỡ thông báo rằng, anh đã là người trúng thưởng.
Mừng hơn cả bắt được vàng, anh vội thông báo niềm vui đó cho mọi người và không quên tạt qua chợ mua chút hoa quả, vàng hương để trở lại đền tạ ơn các o, các anh – những người đã cho anh sự may mắn khó thấy trong đời. Ông Lương bảo, sau lần “ ăn lô xiên” ấy anh Th cũng không thử vận may thêm lần nào nữa. Anh bảo, các o, các anh chỉ cho may mắn một lần thôi nếu dấn sâu vào thì chỉ có sạt nghiệp, tan cửa nát nhà.
Câu chuyện anh Th. trúng số đã lan truyền khắp Quảng Bình. Và cũng từ độ ấy, nhiều người đã đến đền để mong các o, các anh cho mình ăn…. Lộc rơi lộc vãi. Ông Lương bảo, ông và các anh em trông coi ở đây đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên làm chuyện đó nhưng xem ra không hiệu quả là bao. Tệ lô đề, cờ bạc đã ăn sâu ngõ ngách ở bấc cứ đâu nên khi nào con người còn tham lam, còn mê mị thì việc này còn khó bỏ. Mà đã khó bỏ thì cũng khó khuyên can người ta xì xụp xin số nơi thiêng tịnh.
Kho “thần dược”
Lần trước, khi khám phá những vòng cua khấp khểnh ở đường 20, sau khi thắp nhang ở hang Tám Cô, chúng tôi cũng không quên thắp hương ở hang Y Tá cách đó chừng 2 cây số. Hang Y Tá chỉ có cái miếu nhỏ nằm chênh vênh trên bờ đá, đi đường nếu không để ý thì khó phát hiện. Tuy nhiên không phải vì thế mà nơi này quạnh quẽ. Bằng chứng là những chân nhang người đi đường thắp thành chùm, xòe ra tứ phía. Theo ông Lương, mấy năm trở lại đây, người ta không chỉ thắp nhang để tỏ lòng tri ân mà còn muốn “ cô Y Tá” trên sẽ giúp cho họ thoát khỏi những căn bệnh đeo bám dai dẳng trong mình.
Theo ông Lương, đã nhiều người khỏi bệnh khi lấy “thuốc tiên” từ hang cô Y Tá. Tuy nhiên công dụng những “liều thuốc” đó tới đâu thì chưa ai có kiểm chứng. Người ta khỏi bệnh cũng có thể là do những cây lá ngọn cỏ đó có khả năng chữa bệnh thật, cũng có thể khi uống những thứ ….vô hại đó, niền tin được củng cố, tin thần được nâng lên thì bệnh tật cũng bị đẩy lùi? “ Cô y tá” có “giúp” gì cho những bệnh nhân đó không thì ngoài mặt tin thần ra câu trả lời là không. Theo ông Lương, nữ thanh niên xung phong hi sinh ở hang, cô Nguyễn Thị Sặng (quê Thanh Hóa) là một cấp dưỡng chứ không phải là y tá như mọi người lầm tưởng. Có lẽ, thời chiến, tuy là cấp dưỡng nhưng đơn vị thiếu người, cô Sặng đã phải kiêm luôn việc chăm sóc thương bệnh binh nên mọi người đã lầm tưởng và gọi cô là y tá. Cái hang Y Tá cũng xuất hiện từ dạo ấy.
Nói về những chuyện khó tin xảy ra ở hang Tám Cô và hang Y Tá, ông Lương kết luận, có những chuyện thì do trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng có những chuyện thì không ai có thể giải thích nổi. Theo ông Lương, dù là gì đi chăng nữa thì những chuyện này đã giúp ngôi đền thêm phần tôn nghiêm, đồng thời những câu chuyện đó góp phần thúc đẩy việc tri ân với các anh hùng, liệt sĩ lan tỏa rộng rãi trong đời sống cộng đồng.
Theo Tuổi Trẻ & Đời sống