Những "nghệ sĩ" nông dân

Hàng chục năm qua, với niềm đam mê ca hát, thể dục thể thao, những nông dân quanh năm "chân lấm tay bùn" ở làng Hạ Trì, xã Liên Trung đã tình nguyện góp công, góp sức xây dựng phong trào văn - thể ở địa phương đứng hàng nhất nhì của huyện Đan Phượng. Không chỉ bảo đảm sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, những trận đấu thể thao, chương trình văn hóa văn nghệ hấp dẫn ở đây còn giúp đẩy lùi tệ nạn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới thanh bình, văn minh.
Tấm lòng với quê hương

Bất chấp cái nắng oi bức đầu hè lên đến 39-40oC nhưng các thành viên Câu lạc bộ văn nghệ làng Hạ Trì vẫn hăng say tập luyện, chuẩn bị cho hội diễn sắp tới. Lời ca, tiếng hát vang cả một góc thôn yên bình. Hôm nay, các "nghệ sĩ nông dân" Hạ Trì tập luyện bài chèo "Tiếng hát trên đê Liên Trung" của tác giả Nguyễn Hữu Phận: "Đê Liên Trung dang tay ngăn sóng; dưới nắng nồng gió lộng chân mây; Bác về năm ấy, nơi đây; ấm theo chân Bác, dâng đầy niềm tin; lời Bác ân tình; con nhớ đinh ninh; đê vững cao thêm; dìm muôn sóng cả, giữ yên ruộng đồng...". Làn điệu chèo mượt mà, tình cảm cất lên như giúp chúng tôi "giải nhiệt", cảm thấy thực sự thoải mái, thư thái sau quãng đường dài dưới nắng hè oi bức. Cô Trần Minh Tân, một giọng ca chính của CLB cho biết: "Vào mùa vụ, dù vất vả nhưng hễ làng, xã có sự kiện như tổng kết, kỷ niệm ngày lễ trọng, tết, hội thi, hội diễn, các thành viên CLB văn nghệ sẵn sàng bước lên sân khấu, đem tiếng hát phục vụ nhân dân".

 
Câu lạc bộ văn nghệ thôn Hạ Trì chuẩn bị đạo cụ để tham gia hội diễn văn nghệ.
Câu lạc bộ văn nghệ thôn Hạ Trì chuẩn bị đạo cụ để tham gia hội diễn văn nghệ.


Theo ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng thôn Hạ Trì: Ở xã Liên Trung, nói về văn nghệ quần chúng trước tiên phải kể đến Hạ Trì, bởi ngoài bề dày truyền thống, nơi đây còn là vùng quê có phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dẫn đầu huyện Đan Phượng. Gần đây, CLB văn nghệ của thôn đã đạt giải Nhất Hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện Đan Phượng. Nhưng có được những thành tích hiện nay, không thể không nói tới "cha đẻ" của các phong trào tập thể này - ông Nguyễn Đức Huấn, Chủ nhiệm CLB, tổng phụ trách các hoạt động thể dục thể thao của làng. Ông Huấn là một cựu chiến binh, từng "vào sinh, ra tử" trên các chiến trường, khi trở về quê hương, ông thành lập doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Đã từng lăn lộn nhiều nơi, ông hiểu giá trị truyền thống văn hóa quê hương là cơ sở hun đúc nên những con người giàu lòng nhân ái, không chùn bước trước khó khăn, thử thách. Ông Huấn kể: "Mười năm trước, tôi rất băn khoăn khi phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của thôn bị chìm lắng. Thanh niên trong làng đều rất tâm huyết, mong mỏi có người đứng ra gây dựng phong trào, phát huy truyền thống quê hương". Không ngại khó, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Huấn cùng một số người dân trong làng đã thành lập Câu lạc bộ văn nghệ quần chúng Hạ Trì. Nói thì dễ, làm mới khó, khi thành lập, CLB gặp không ít trở ngại về cả con người lẫn kinh phí. Trong suốt thời gian hoạt động 10 năm qua, ông Huấn là một trong những "Mạnh thường quân" tích cực nhất trong các hoạt động của CLB. Đáng trân trọng hơn, dù là một chủ doanh nghiệp, công việc bộn bề nhưng ông Huấn vẫn sẵn lòng "bỏ bê" việc nhà để đi theo "nghiệp diễn" với các "nghệ sĩ nông dân" trong làng. "Những dịp hội thi, hội diễn mất rất nhiều thời gian. Khi đó tôi phải sắp xếp, lên kế hoạch công việc tỉ mỉ ở cơ sở sản xuất rồi mới yên lòng tham dự hội thi, hội diễn" - ông Huấn tâm sự. Khi chúng tôi hỏi vấn đề "tế nhị", ông đã "chi" bao nhiêu tiền cho câu lạc bộ, người cựu chiến binh già cười hiền, khiêm tốn: "Đóng góp của tôi không đáng là bao, phải là sự hợp sức của nhiều người trong làng thì phong trào mới được như ngày hôm nay". 

Hiện nay, CLB văn nghệ Hạ Trì đang thu hút gần 100 người với đủ mọi lứa tuổi tham gia, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân trong xã, trong thôn. Trưởng thôn Nguyễn Văn Luyến chia sẻ: "Điều đáng kể nhất là ngoài những thành viên trẻ tuổi thì có nhiều người cao tuổi cũng tích cực tham gia, hướng dẫn lớp trẻ như cụ Hoàng Thị Lựu 79 tuổi, cụ Hoàng Thị Quế 81 tuổi".

Chung sức xây dựng làng quê

Từ hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ, nhiều CLB thể dục thể thao ở đủ mọi thành phần, lứa tuổi cũng lần lượt ra đời và hoạt động hiệu quả như bóng đá, bóng chuyền hơi, bơi chải, kéo co... Trong đó phải kể đến phong trào đá bóng với 12 đội bóng ở 12 xóm. Hằng năm, CLB văn nghệ quần chúng đứng ra tổ chức giải bóng đá với tên gọi rất chuyên nghiệp là "Hạ Trì League", thi đấu giống điều luật của giải bóng đá vô địch quốc gia. Ông Hoàng Danh Cải, "bình luận viên" bóng đá của giải "Hạ Trì League" suốt 10 năm qua cho biết: "Dù "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", nhưng chúng tôi rất vui vẻ và nhiệt huyết với công việc được giao. Phấn khởi hơn là việc làm của chúng tôi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình và người dân trong thôn. Đây chính là động lực để các thành viên CLB hoàn thành trọng trách nhân dân tin tưởng giao phó". Một phong trào nữa phải kể đến là bộ môn bơi chải ở Hạ Trì, đã ghi dấu ấn thành tích không chỉ ở địa bàn thành phố mà ở cả nhiều giải của tỉnh, thành phố lân cận. Hiện nay, Hạ Trì có 14 đội bơi chải, trong đó có 12 đội ở 12 xóm, hằng năm tổ chức thi đấu giao hữu trong làng; hai đội tuyển nam và nữ của làng, đại diện cho xã Liên Trung và huyện Đan Phượng đi thi đấu các giải cấp huyện và cấp thành phố. Chị Nguyễn Thị Bích, thành viên đội bơi chải của làng Hạ Trì, người có 25 năm kinh nghiệm, từng tham gia nhiều giải bơi chải cho biết: "Bơi chải là môn thể thao truyền thống của dân làng Hạ Trì, là niềm yêu thích của mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhân dân. Vì thế mỗi khi tổ chức giải đấu, nhân dân trong làng cổ vũ hết sức nhiệt tình, khiến chúng tôi càng thêm tự hào về truyền thống quê hương".

Thôn Hạ Trì vốn là một vùng đất cổ, được bồi đắp bởi dòng sông Hồng. Người Hạ Trì vẫn truyền tụng câu nói: "Người Hạ Trì có cứng mới đứng đầu gió". Những con người như ông Huấn, chị Bích, ông Cải... ngoài niềm đam mê ca hát, thể thao còn là những doanh nhân thực thụ, đã và đang có những đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng xã nông thôn mới ở Liên Trung. Trưởng thôn Nguyễn Văn Luyến cho biết, thôn Hạ Trì có hơn 700 hộ dân thì có tới 120 doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh, chế biến lâm sản, giải quyết hàng nghìn việc làm cho người dân trong thôn và các địa phương lân cận. Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này mà nhà cao tầng trong thôn mọc lên san sát, tỷ phú trong thôn không hiếm, nhất là ở lứa tuổi 30-45; thu nhập bình quân đầu người cũng vào loại cao nhất nhì trong vùng, đạt 29 triệu đồng/năm. Hiện nay, sản phẩm gỗ do người dân ở đây làm ra đã được cung cấp cho các công trình xây dựng trên toàn quốc, điển hình được nhiều người biết đến như: Trung tâm Hội nghị quốc gia, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower, tòa nhà Hanoi Lotte Center...

"Vui nhưng không quên nhiệm vụ" là câu nói cửa miệng của người dân thôn Hạ Trì mỗi khi họ nói về những phong trào tập thể ở quê hương. Ông Nguyễn Văn Luyến cho biết, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút 100% lực lượng thanh niên tham gia. Hằng ngày họ đi làm, lao động ở các nhà xưởng nhưng mỗi khi có việc làng, việc nước, mọi người lại cùng chung vai gánh vác. Mỗi người một việc, từ luyện tập đến tham gia cổ vũ phong trào, ai cũng vui vẻ, phấn khởi.