Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 26-NQ/TW, 4 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 26-NQ/TW, 4 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

 
 
Hôm nay chúng tôi rất vui được về dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQ 26 TW, 4 năm thực hiện NQ 08 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, một trong những NQ vào cuộc sống nhanh nhất được tổ chức tại Hà Tĩnh, quê hương có bề dầy truyền thống cách mạng và văn hiến.
 Cũng như hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị và tôi đều xuất thân từ nông dân, nông thôn, được sinh ra và lớn lên từ bờ tre, gốc rạ, trưởng thành được như ngày hôm nay là nhờ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nên hơn ai hết chúng ta đều cảm nhận được sâu sắc về ý nghĩa, vai trò động lực quan trọng của NQ 26 TW cũng như NQ 08 của Tỉnh ủy về tam nông, đều vui mừng trước những kết quả bước đầu đạt được cho bà con nông dân trong tỉnh cũng như cảm thông và chia sẻ sâu sắc hơn với những khó khăn thách thức đã đặt ra và nỗi niềm của các đồng chí  cán bộ cơ sở và bà con nông dân trong tỉnh chúng ta. Cách đây khoảng 1 tháng tôi đã về làm việc với BCĐ của tỉnh ta và lãnh đạo huyện Can Lộc về quá trình chuẩn bị sơ kết.

 Vừa rồi, tôi đã đọc và lắng nghe đồng chí  Lê Đình Sơn Ủy viên BTV, PCT UBND tỉnh, Phó ban chỉ đạo sơ kết NQ trình bày các nội dung báo cáo sơ kết rất sâu sắc, thiết thực. Điều đó thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các đồng chí  Thường trực Tỉnh ủy, thường trực UBND tỉnh,  sự dày công chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Ban chỉ đạo, bộ phận thường trực từ tổng hợp báo cáo của cấp dưới, tới hệ thống số liệu; các bài tham luận, rất kỳ công, ấn tượng; từ việc đi sâu phân tích đánh giá, nhận định, khẳng định những chủ trương, chính sách giải pháp đúng đắn phù hợp trong NQ 26 TW và NQ 08 của Tỉnh ủy tới những cách làm bài bản, sáng tạo, hiệu quả với những kết quả nổi bật được in đậm trong báo cáo sơ kết, những mô hình tốt cần tiếp tục phát huy và nhân rộng trong cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Điều này chắc chắn được đa số người dân khu vực nông thôn trong tỉnh cảm nhận và đồng tình. Từ kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh, tại Hội nghị này tôi xin được nói gọn cái được lớn nhất sau 5 năm thực hiện NQ 26 tại tỉnh nhà là được lòng dân, cái được thứ hai là được đội ngũ cán bộ nhất là ở cơ sở trưởng thành lên một bước, từ trách nhiệm đến sự gắn bó, gần gủi với dân hơn, nên trong khó khăn hiện nay người dân trong tỉnh sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hơn.

 Về phần hạn chế khó khăn vướng mắc, lực cản, nút thắt đã được các đồng chí thẳng thắn chỉ ra rất cụ thể, sâu sắc, cầu thị theo từng lĩnh vực, cùng những nguyên nhân dẫn tới đã được phân tích mổ xẻ và đặt lên bàn hội nghị sơ kết này. Đây chính là cơ sở để BCĐ và Ban lãnh đạo các cấp trong tỉnh đề ra chủ trương, cơ chế chính sách và giải pháp tiếp tục trong thời gian tới.

Về 6 bài học trong báo cáo là những kinh nghiệm quí thiết thực được rút ra từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và tâm huyết của các đồng chí  lãnh đạo các cấp trong tỉnh. Theo nhìn nhận của bản thân tôi. Hiện tại Hà Tĩnh của các đồng chí  đang là điểm sang có sức lan tỏa trên toàn quốc trong việc thực hiện NQ 26 của Trung ương.

Về một số nhiệm vụ, cơ chế chính sách và giải pháp chủ yếu thời gian tới tôi thấy khá đầy đủ, sát thực với nhiều ý tưởng mới, nhiều tư duy mới, cách làm mới và tiền đề cho một số cơ chế chính sách mới. Về các kiến nghị Trung ương được phát hiện, tìm tòi, nghiên cứu khá kỹ lưỡng, công phu các kiến nghị rất cụ thế rất ấn tượng như đưa ra thuật ngữ doanh nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệp; trong chỉ đạo xây dựng NTM đã phát hiện, chủ động đề xuất theo cách mới, không chỉ thuần túy tập trung cho các xã điểm mà đề nghị triển khai trên rộng để tất các xã và tất cả nhân dân có nhu cầu làm NTM đều bình đẳng trong hưởng lợi từ Chương trình chứ không phải chỉ dồn vào xã điểm. Đây là những vấn đề đang đặt ra không những ở Hà Tĩnh mà còn của cả nước, bản thân chúng tôi trong tổ soạn thảo cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Về các bài tham luận của đại biểu và các bài in trong báo cáo được chuẩn bị rất công phu, sâu sắc, ấn tượng, chúng tôi đánh giá cao, ghi nhận sẽ chọn lọc để đưa vào trong báo cáo của Trung ương. Tôi muốn các đồng chí  lãnh đạo tỉnh lựa chọn trong 19 mô hình này chọn ra 1 hoặc 2 mô hình tiêu biểu nhất và gửi về BCĐ TW.

Nhân dự hội nghị sơ kết này tôi xin chia sẻ với các đại biểu 3 nhóm vấn đề nhằm  làm sâu sắc thêm và tạo sự thống nhất cao một số nội dung chủ yếu mà báo cáo và trong tham luận đã đề cập.

1/ Về một số khó khăn vướng mắc, lực cản, nút thắt trong quá trình triển khai NQ trong báo cáo đã đề cập khá nhiều vấn đề, song cũng như ở nhiều tỉnh khác tôi xin gom lại trong 4 vấn đề chính sau đây:

1. Lao động việc làm: Hiện nay trong nông thôn có tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp rất cao, đây đang là sức ép lớn cho cấp ủy chính quyền địa phương, chúng ta không thể cứ để mãi 55-58% lao động làm nông nghiệp như bây giờ, không thể để chừng ấy lao động nông nghiệp SX trên diện tích ít ỏi như vậy, mà phải tìm mọi cách để rút đáng kể lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề khác để số người ở lại làm nông nghiệp sử dụng số diện tích lớn gấp 2 -3 lần bình quân  hiện nay.

2. Chính sách đất đai đang là một lực cản lớn (trong văn bản có ghi NQ 26: sửa đổi luật đất đai theo hướng giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài, mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường và trở thành một nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh) song đến nay vẫn chưa làm được. Đây đang là một nút thắt, kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển nên chúng ta cần tập trung tháo gỡ.
 
3. Hình thức tổ chức sản xuất hiện nay vẫn cơ bản là hình kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, thiếu liên kết, trong khi lực lượng sản xuất thì liên tục phát triển, song quy hoạch sản xuất vẫn không thay đổi đáng kể. Đặt ra khắc phục vấn đề này bằng 3 cách mới: Mời gọi doanh nghiệp về nông thôn liên kết dẫn dắt nông dân; Phát triển hợp tác xã theo luật mới; Phát triển tổ hợp tác.

4. Phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm quản lý cho cấp tỉnh cấp huyện, xã và cộng đồng dân cư để mỗi cấp chủ động hơn nhất là trong phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng và lồng ghép CTMTM Quốc gia. Đây là những vấn đề lớn, khó và rất quan trọng. Có việc liên quan tới luật (như Luật đất đai; Luật Ngân sách), có việc cần thời gian và sự nỗ lực, kiên trì (như giải quyết việc làm, hình thức tổ chức sản xuất ...)

Đề nghị các đại biểu nhất là đại diện những Ngành liên quan trực tiếp như: LĐTBXH; TNMT; NNPTNT; KH-ĐT; TC cần tiếp tục trăn trở đề xuất với lãnh đạo tỉnh, kiến nghị TW để tìm giải pháp từng bước khắc phục.

2/ Về một số điều rút ra trong sơ kết, bản thân tôi nhất trí cao về 6 bài học kinh nghiệm được rút ra trong báo cáo không những có ý nghĩa với tỉnh nhà mà TW còn kế thừa trong phạm vi cả nước. Qua một số lần làm việc với cán bộ nhiều cấp của tỉnh, tôi có một ấn tượng sâu sắc đó là cán bộ của tỉnh năng động, sáng tạo và có ý thức đúc rút, sau đây là một trong những điều mà tôi đã kế thừa được trong quá trình đó, một số đồng chí  cán bộ đã rút ra một số điều gần gũi, dễ nhớ, dễ làm về XDNTM đó là 5 nên, 5 mới, 5 tránh, 5 chuyển dịch và 10 hóa:

- Nông thôn mới phải tạo ra 5 mới, 5 dòng chuyển dịch, với 5 điều nên, 5 điều tránh:

5 Mới:
         1/ Tầm nhìn mới;
         2/ Diện mạo mới;
        3/ Kinh tế mới;
       4/ Văn hóa mới;
       5/ Con người mới.


5 Dòng chuyển dịch tạo sự đột phá:   
         1 - Chuyển dịch nhận thức;
         2 - Chuyển dịch đất đai;
         3 - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
         4 - Chuyển dịch cơ cấu lao động;
        5 - Chuyển dịch hình thức tổ chức sản xuất. 
5 Nên:
      1. Tin tưởng
      2. Chủ động;
       3. Sáng tạo;
     4. Bài bản
      5. Kiên trì.
5 Tránh:
1/ Hoài nghi
2/ Ỷ lại;
3/ Thái quá
4/ Thờ ơ;
5/ Áp đặt.

   5 Nhận định:
1/ Nhận thức là tiền đề; Chủ thể là quyết định.
 2/ Hạ tầng là cơ sở; Bà đỡ là chính sách.
3/ Sản xuất là cái chốt; Cốt lõi là lợi ích.
4/ Chung quy là văn hóa; Tất cả vì nông dân.
 5/  Đoàn kết là thành công; Bất đồng là thất bại.
 
- 10 hóa: Nhận thức hóa; Dân chủ hóa; Kế hoạch hóa; Xã hội hóa; Kiên cố hóa; Cơ giới hóa; Hợp lý hóa; Chuyên canh hóa; Chuẩn hóa; Thực chất hóa.
Trong quá trình sơ kết NQ 26 TW càng đi sâu vào từng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng thấy nhiều vấn đề mới đặt ra, thấy còn nhiều công việc cần làm, thấy trách nhiệm của mình trước bà nông dân còn rất nặng nề; càng về sát cơ sở (thôn, xóm) càng thấy bà con nông dân, cán bộ cơ sở trong tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, càng thấy rõ ý nghĩa câu ngạn ngữ "cái khó, ló cái khôn".
3) Tham góp một số giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh việc thực hiện NQ.

Nông nghiệp, nông dân nông thôn là chiến lược rất quan trọng với đất nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, ngay cả khi tỉnh nhà hoàn thành khu kinh tế Vũng Áng cả khi thu nhập bình quân đầu người nông dân trong tỉnh gấp nhiều lần hiện nay.  NQ 26 TW là một NQ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện nhất từ trước tới nay thì vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn không thể xem nhẹ. Đây là một NQ cần thực hiện trong dài hạn (10 – 15 năm). Trên cơ sở báo cáo sơ kết tỉnh ủy đã khẳng định cho tới nay hầu hết các chủ trương, cơ chế chính sách giải pháp mà NQ 26 đưa ra tới nay cơ bản vẫn còn phù hợp thời gian tới tỉnh cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn (có việc cần làm bù cho thời gian trước). Trong rất nhiều công việc cần làm tôi xin tham góp 4 nhóm vấn đề để các đại biểu hội nghị tham khảo.

Sau nhiều năm ngành nông nghiệp chúng ta phát triển tương đối thuận lợi; tốc độ tăng trưởng đạt từ 3-4 %/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt cao, có năm đạt 25-26 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu của đất nước và trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Song những tháng đầu sang năm 2013 nay thì tình hình lại khó khăn hơn nhiều. Qua đài, báo, diễn đàn Quốc hội, những cuộc họp chuyên đề của Chính phú, các đại biểu đã thấy. Có nhà quản lý nói chưa bao giờ nông nghiệp lại khó khăn như nhịp này. Nên tốc độ GDP cả nước chỉ đạt 2,04%, của Hà Tĩnh 2,06%, là thấp nhất sau nhiều năm. Một số sản  phẩm chủ lực như lúa, cá, cao su, chè , cà phê… giảm giá mạnh (có loại giảm 30-40%) một số ngành sản xuất còn bị lỗ nên đã xuất hiện nhiều nông dân bỏ ruộng, bỏ ao đầm, bỏ nghề. Nhiều bài báo đã đề cập nông dân nhiều vùng kiệt sức. Ngày 7/8 vừa qua Viện NCQL TW đã đưa ra con số giật mình đó là thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt 48.618 đ/ngày và 41,5% số hộ nông dân không hài lòng với cuộc sống. Có nhà quản lý đã nói nông nghiệp Việt Nam khó khăn như vậy đã làm suy giảm khả năng làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Điều này rất đáng để các đại biểu liên hệ với địa phương mình, suy nghĩ, trăn trở, chủ động tìm giải pháp ứng phó. 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm lúc này cần tích cực tìm giải pháp để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất một số cây, con, ngành nghề chủ yếu trong tỉnh trên cơ sở tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, cơ cấu cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường và hiệu quả cao hơn. Quan tâm chỉ đạo tốt hơn việc dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch lại đồng ruộng đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, ứng dụng KHCN (giống mới chất lượng cao, ổn định; áp dụng qui trình sản xuất tiến bộ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao,  phòng dịch bệnh), coi trọng chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, cần xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế hợp tác và mời gọi doanh nghiệp. Phấn đấu giảm tối đa chi phí đầu vào (giảm vật tư NN từ giống, phân bón, thuốc BVTV, nước, giảm tổn thất sau thu hoạch, tận thu sản phẩm phụ; xây dựng quy mô sản xuất …) hạ giá thành sản phẩm tăng giá trị gia tăng. Trong điều kiện năng xuất nhiều cây trồng vật nuôi đạt khá cao, nên chỉ có cách như vậy mới có điều kiện tăng thu nhập cho nông dân và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

 Nhân đây tôi xin nhắn gửi bà con nông dân trong tỉnh đôi điều rằng thời kỳ sản xuất khép kín, tự túc, tự cấp đã qua và mô hình sản xuất nhỏ lẻ manh mún không thể mang lại cho chủ nông hộ cuộc sống khá giả. Trong cơ chế thị trường những nông hộ nhỏ không thể tự mình tham gia thị trường hiệu quả, doanh nghiệp không thể làm với từng hộ mà cần qua tổ chức đại diện. Vì vậy bà con nông dân trong tỉnh muốn khả giả phải liên kết lại và mô hình hợp tác xã theo luật mới được coi là là “Bà đỡ” cho kinh tế hộ. Ngày nay liên kết sản xuất là quy luật sống còn, chỉ có liên kết (bản chất là đoàn kết) thì mới tạo ra sức mạnh để thắng thế trong cạnh tranh.

b) Về nông dân:
Phát huy truyền thống hiếu học, cần cù sáng tạo, chính quyền và bà con nông dân trong tỉnh cần quan tâm nhiều hơn cho giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo nghề theo QĐ 1956 nói riêng như trong báo cáo đã đề cập khá sâu để có điều kiện từng bước rút đáng kể lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ như chỉ đạo của đồng chí  Nguyễn Sinh Hùng là phấn đấu rút 20 – 30 – 50 – 70% lao động nông nghiệp hiện tại thì thu nhập của bà con nông dân mới khá giả được. Rất may khu kinh tế Vũng Áng của tỉnh nhà đang phát triển rất mạnh sẽ là địa chỉ lý tưởng tiếp nhận số lao động này. Cùng với thực hiện tốt một số giải pháp mà tôi vừa đề cập trong phần nông nghiệp, cán bộ cơ sở và bà con nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục thay đổi tư duy, thay đổi cách thức sản xuất truyền thống, nỗ lực vươn lên không cam chịu nghèo khó, bà con nông dân trong tỉnh cần cầu thị, quan tâm hơn tới việc tìm hiểu, hỏi han, vận dụng kinh nghiệm của những hộ làm ăn khá giả để nâng cao thu nhập cho mình. Tiếp tục đề nghị hoàn thiện thêm cơ chế trao quyền chủ động, tự chủ hơn cho chính quyền cấp xã và cộng đồng dân cư ở thôn xóm. Kịp thời nắm bắt hiệu quả của các chính sách xem đã đến người nông dân hay chưa, chính sách nào cần bổ sung, chính sách nào cần ban hành tiếp (63, 41, 42…).

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ này cán bộ và người dân trong tỉnh cần quan tâm lý giải vì sao cho tới nay nông dân mình vẫn còn nghèo khó; vì sao nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh không gắn bó với đồng ruộng, thậm chí còn trả, bỏ ruộng, bỏ nghề nông? để từ đó tìm giải pháp từng bước khắc phục. Tôi muốn các đại biểu suy ngẫm về 4 vấn đề sau:
- Tỷ lệ thu nhập trực tiếp từ nông nghiệp trong tổng thu nhập của hộ nông dân/năm?
- Số hộ nông dân tự cân đối thu chi trong năm?
- Giá trị ngày công lao động bình quân của lao động nông thôn trên địa bàn?
- Tỷ lệ số hộ nông dân vay vốn ngân hàng trên địa bàn?

c) Về xây dựng nông thôn mới:
Cần phát huy kết quả đã đạt được, có chính sách nhân rộng những mô hình tốt, những cách làm sáng tạo, hiệu quả để chương trình phát triển bền vững. Trong quá trình chỉ đạo cần tiếp tục thấu triệt quan điểm phát triển kinh tế nông thôn nói chung, sản xuất nông nghiệp toàn diện nói riêng là gốc, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu, lợi ích trực tiếp mang lại cho người dân là động lực cần coi trọng tính bền vững, thực chất của chương trình. Tức là cần đi sâu vào bếp của người dân xem bữa ăn hàng ngày của họ thế nào? Việc học hành của con cái họ, việc khám chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa của họ ra sao.

d) Đối với chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các cấp cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng kịp thời, điều chỉnh bổ sung qui hoạch phát triển nông nghiệp theo tín hiệu thị trường; Cần ban hành đầy đủ, đồng bộ, tổ chức thực hiện và kiểm tra nghiêm túc hệ thống cơ chế, chính sách về tam nông, kịp thời phản ứng trước những tình huống bất lợi để bảo vệ trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ lợi ích chính đáng cho nông dân; Cần tạo cơ hội sự quan tâm, chia xẻ nhiều hơn tới nông dân, coi đây là trách nhiệm, sự tri ân, đáp nghĩa với giai cấp xuất thân của mình và quê hương mình; Cần coi trọng  hơn việc hướng dẫn, định hướng sản xuất và có biện pháp hữu hiệu giúp nông dân khắc phục tình trạng sản xuất ra không biết bán cho ai?, hạn chế tình trạng để nông dân tự bơi trong cơ chế thị trường. Cần tăng cường quản lý thị trường, giá cả chất lượng vật tư nông nghiệp, cũng như ngăn chặn tình trạng để doanh nghiệp thao túng thị trường gây tổn hại lợi ích của nông dân. Cần giúp nông dân tiếp cận với ngân hàng vay được số vốn cần thiết để phát triển sản xuất kinh doanh và nghiên cứu hình thành một số hội, hiệp hội ngành hàng nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong tỉnh; Cần chỉ đạo các đơn vị dịch vụ nông nghiệp như thủy lợi, khuyến nông, thú ý, bảo vệ thực vật, đổi mới hình thức phương thức hoạt động sao cho thuận tiện, hiệu quả hơn với nông dân. Để làm tốt những việc trên ngoài sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Lãnh đạo tỉnh thì vai trò của huyện xã cực kỳ quan trọng không ai có thể làm thay được. Phải chăng đó là những vấn đề mà cán bộ cơ sở và bà con nông dân trong tỉnh đang quan tâm, mong đợi.

Xin chúc các đồng chí  lãnh đạo tỉnh, các đại biểu, cán bộ và bà con nông dân trong tỉnh luôn vui khỏe nhiệt huyết đóng góp nhiều hơn tâm sức của mình cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn bền vững.

Xin cảm ơn!

Nguyễn Đăng Khoa
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT,
nguyên Phó trưởng BCĐ Chương trình  xây dựng NTM TW
- UV Thường trực Tổ biên tập giúp việc Nghị quyết 26 Ban Chỉ đạo TW