Cần đa dạng hoá nguồn lực xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 21/04/2012 09:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về chương trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) chiều qua (20-4), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng: Rất nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai chương trình NTM, có nhiều cách làm hay đã hình thành.
Ảnh: TL
Còn những khó khăn vướng mắc
Tại buổi giao ban, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện nay công tác triển khai xây dựng NTM còn nhiều khó khăn mà trước hết là nhận thức của một số cán bộ và người dân về chương trình xây dựng NTM còn hạn chế. Ở một số địa phương người dân và ngay cả các cấp chính quyền vẫn thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng NTM. Vẫn còn tình trạng Ban chỉ đạo các cấp, các ngành lúng túng khi triển khai thực hiện. Ngoài ra sự phối hợp giữa các thành viên ban chỉ đạo NTM còn chưa chặt chẽ. Điểm yếu nhất trong xây dựng NTM có lẽ nằm ở trình độ của các cán bộ, nhất là cấp xã. Vẫn còn một bộ phận cán bộ ngại khó, thiếu quyết tâm trong thực hiện chương trình khiến tiến độ triển khai chương trình còn rất chậm.
Khó khăn lớn nhất phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư cho NTM chậm được giải ngân và thanh quyết toán do sự cứng nhắc về thủ tục hành chính. Nhiều địa phương cho rằng đây là bài toán khá nan giải. Ông Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng: Vấn đề vốn là vấn đề nan giải. Tất nhiên không thể trông chờ nguồn vốn ngân sách ít ỏi mà cần khai thác tối đa tiềm lực sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, huy động tiền của nông dân là rất khó bởi đời sống của họ chẳng dư dả gì. Đồng tình quan điểm hỗ trợ lãi suất cho người dân của đại diện tỉnh Thanh Hóa, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Đề nghị Nhà nước vẫn phải có cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất để tạo nguồn lực cho nông thôn. Thực tế người dân rất khó tiếp cận vốn vay dù lãi suất đã giảm.
Giải đáp thắc mắc của địa phương về hỗ trợ nguồn lực xây dựng NTM, đại diện Bộ Tài chính cho hay: Đầu tư cho NTM trong năm 2012 khoảng 1.700 tỷ đồng. Về tín dụng cho chương trình NTM, Bộ Tài chính đã cân đối khoản ngân sách khoảng 3 ngàn tỉ đồng cho địa phương vay để kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn. Về đề nghị của địa phương có tăng tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp (DN) hay không, trước hết phải triển khai xong 3 nghìn tỉ đồng này rồi sẽ cân nhắc tiếp.
Về vấn đề vốn hỗ trợ các DN tham gia xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu phương án hỗ trợ các DN tham gia chương trình này giống chương trình đầu tư vào vùng 135. Đồng tình đề xuất tăng tín dụng ngân hàng cho người dân, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành sửa cơ chế làm sao cho dân tiếp cận vốn dễ nhất.
Nhiều tỉnh đã chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn quyết tâm đưa chương trình NTM về đích sớm Ảnh: Hoàng Long |
Chung lưng đấu cật xây dựng NTM
Dù còn nhiều khó khăn trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng đã có nhiều tỉnh đã chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn cho địa phương mình quyết tâm đưa chương trình NTM về đích sớm.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, kinh nghiệm coi sản xuất là gốc nên tỉnh đã chọn sản xuất một số mặt hàng chủ lực để triển khai trong chương trình xây dựng NTM. Thông qua các sản phẩm chủ lực, tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đi theo để bảo đảm vấn đề này. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách khá đồng bộ để khuyến khích phát triển sản xuất như đưa doanh nghiệp về nông thôn đồng hành cùng nông dân sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Để huy động nguồn lực của dân, Hà Tĩnh dựa chính quyền xã và chính sự chủ động của người dân. Đặc biệt Hà Tĩnh đã huy động các DN đỡ đầu các xã. Cán bộ xã mỗi tuần có ít nhất một lần xuống thực tế ở xã xây dựng NTM. Xã nào về đích trước hạn sẽ được thưởng nóng.
Còn tỉnh Quảng Ninh cũng có cách làm khá mới mẻ, đó là ưu tiên nguồn vốn cho sản xuất bằng xây dựng nguồn quỹ để hỗ trợ công nghệ cho nông thôn. Tỉnh cũng đã dành tới 30 tỷ đồng cho xây dựng thương hiệu. Chính quyền Quảng Ninh đã chủ động xây dựng bộ máy tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh xây dựng NTM (tương đương cấp sở) để phụ trách riêng về lĩnh vực này.
Kết luận cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: Qua gần 2 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào phát triển sâu rộng trong cả nước. Có thể nói phong trào này đã huy động toàn bộ xã hội vào cuộc với sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân. Về vướng mắc trong quá trình thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành địa phương tìm cách tháo gỡ. Muốn tháo gỡ trước mắt bộ máy chính quyền các cấp phải vào cuộc, chung lưng đấu cật với người dân. Phó Thủ tướng đề nghị phải đa dạng hóa nguồn lực dù rằng nguồn lực của Nhà nước rất quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng hạ tầng cho nông thôn. Phó Thủ tướng cho biết, các bộ, ngành đã nghiên cứu nâng mức đầu tư cho hạ tầng nông thôn. Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh cách làm chủ động sáng tạo của các địa phương đặc biệt trong tìm đầu ra cho nông sản. Đây là mục tiêu khó trong xây dựng NTM, tuy nhiên các địa phương phải tập trung làm và phải làm bằng được.
Theo daidoanket.vn