Chủ động ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn khi mưa, lũ lớn xảy ra

Chủ động ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn khi mưa, lũ lớn xảy ra
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự vừa ký Công điện khẩn số 27/CĐ-UBND về việc triển khai đối phó với cơn bão số 11.

Công điện nhấn mạnh, đây là cơn bão rất mạnh, khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Do tác động của hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh từ phía Bắc tràn về nên trên địa bàn tỉnh ta dự báo có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
 Tải Công điện  khẩn số 27/CĐ-UBND tại đây

Chủ động ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn khi mưa, lũ lớn xảy ra
Vị trí và đường đi của bão số 11 hồi 4h sáng 14/10. Ảnh: VOV

Thực hiện các công điện của BCĐ PCLB trung ương và UBQG TKCN, để chủ động phòng, chống, ứng phó với bão số 11 và diễn biến hoàn lưu bão có thể gây ra mưa lớn trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã, trước tiên là các huyện ven biển chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu Ban An toàn Nghề cá trên biển, chính quyền địa phương cơ sở và chủ tàu kiểm soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền; cấm tàu thuyền ra khơi và bằng mọi biện pháp kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương tránh bão; bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, các chòi canh NTTS và khu du lịch, bến cảng khi bão đổ bộ vào bờ; đề phòng nước biển dâng cao trong bão, chủ động kế hoạch sư tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ven biển, ven cửa sông trước khi bão đổ bộ vào bờ...;

Chủ động triển khai phương án đảm bảo ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu như: ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc...;

Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; các hồ đang thi công; các huyện, xã có hồ đập, các tuyến đê xung yếu phải tổ chức tuần tra, canh gác, chuẩn bị vật tư, nhân lực ứng cứu khi mưa lớn, mực nước dâng cao tràn và gây vỡ đập, vỡ đê;

Các huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực sông, hạ du hồ chứa công trình Thủy điện Hố Hô, Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn và thượng Sông Trí, vùng ngập lụt nội đồng phải chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng cứu và sơ tấn dân đến nơi an toàn khi có mưa, lũ lớn xảy ra, đề phòng bị chia cắt, cô lập dài ngày; các địa phương vùng hạ du cụm hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, các xã có dân cư ở hạ du hồ chứa xung yếu phải có phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân khi xả lũ...;

Xả tràn Kẻ Gỗ, vùng hạ du bị ngập cục bộ!
Chủ động ứng phó xả lũ một số hồ chứa nước nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân

Các huyện, thành phố, thị xã và tất cả các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ trực tiếp xuống các thôn/xóm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và nhân dân triển khai phương án đối phó với bão số 11, tổ chức sơ tán dân cư, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và chủ động ứng phó với mưa, lũ có khả năng xảy ra trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, các BQL dự án chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình XDCB huy đông lực lượng, xe máy tập trung thường trực tại hiện trường 24/24h để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình, đặc biệt là các khu vực trọng điểm như: KKT Vũng Áng, KTT Cầu Treo, các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều và PCLB đang thi công;

Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm của vụ mình có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11 kịp thời, hiệu quả.

BCH PCLB-TKCN các công trình trọng điểm: cụm hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn và thượng Sông Trí, đê La Giang; Giám đốc các công ty thủy lợi, nhà máy thủy điện chủ động triển khai phương án đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đập thủy điện; đặc biệt đối với công trình hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên việc điều tiết lũ phải tuân thủ quy trình được duyệt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hạn chế tối đa ngập lụt vùng hạ du.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các KKT Vũng Áng, Cầu Treo tổ chức phân công chỉ huy, điều hành triển khai các phương án, kế hoạch đối phó với bão, lũ đến tận các đơn vị thuộc địa bàn quản lý nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động, phương tiện trên công trường và cơ sở hạ tầng trên địa bàn; nắm chắc tình hình và phối hợp với các lực lượng để chủ động triển khai ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; chủ động triển khai phương án phối hợp với các lực lượng BĐBP và địa phương để đảm bảo an toàn cho người và tài sản...

 

Bão số 11 cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 330km

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Đến 4 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Từ chiều tối nay (14/10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4m./.


H.X
Nguồn baohatinh.vn