Công điện của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai bổ cứu sản xuất vụ Đông Xuân 2011-2012
- Thứ ba - 17/01/2012 10:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài nên một số diện tích mạ và lúa gieo thẳng bị chết rét, dự kiến diện tích quy đổi lên tới trên 15.000 ha. Ngày 10/01/2012, Tỉnh ủy đã ra Công điện số 387-CĐ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai bổ cứu sản xuất vụ Đông Xuân 2011-2012, nội dung Công điện như sau
Để giành thắng lợi toàn diện vụ sản xuất Đông Xuân 2011-2012 từ cây trồng đến vật nuôi và đặc biệt đối với cây trồng phải đạt tối đa về diện tích, năng suất và sản lượng. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo quyết liệt; tuy vậy trong thời gian bắc mạ, giống gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trên 37 ngày, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số diện tích mạ quy đổi lúa cấy và diện tích lúa gieo thẳng bị chết có khả năng lên tới trên 15.000 ha. Nguyên nhân khách quan là do thời tiết nhiệt độ thấp, âm u, thiếu ánh sáng kéo dài, thì chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền, sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của ngành chuyên môn nên nhiều địa phương để tình trạng gieo thẳng diện tích lớn, bắc mạ không đúng quy trình kỹ thuật. Một số địa phương có diện tích chết nhiều như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Nghi Xuân, Lộc Hà,...Ban thường vụ Tỉnh uỷ phê bình nghiêm túc Ban thường vụ các huyện uỷ, thành uỷ nêu trên.
Thời vụ gieo mạ cho vụ Đông Xuân chỉ có một thời gian rất ngắn (đến 25/1/2012 là kết thúc) trong khi đó số diện tích còn phải bắc mạ để cấy là rất lớn (trên 50% diện tích lúa Đông Xuân). Ban thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; các đảng đoàn, các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban ngành cấp tỉnh; Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị uỷ, đảng ủy trực thuộc; các đồng chí trưởng đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy tại địa phương, cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, thị uỷ tổ chức họp cán bộ chủ chốt, trưởng đầu ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư Đảng ủy các xã phường, thị trấn để triển khai bổ cứu sản xuất vụ Đông Xuân 2011-2012 theo Công điện số 30/CĐ-UBND, ngày 16/12/2011 và Công điện số 31/CĐ-UBND ngày 29/12/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các Văn bản bổ cứu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành lập đoàn và phân công cán bộ xuống trực tiếp cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn liên tục các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã tập trung mọi biện pháp đồng bộ và có các chính sách phù hợp, chỉ đạo linh hoạt để phải đảm bảo đủ giống, thực hiện quy trình bắc mạ che phủ nilon đúng kỹ thuật đúng thời vụ; chủ động trích ngân sách hỗ trợ khôi phục sản xuất để giành bằng được vụ sản xuất Đông Xuân thắng lợi trọn vẹn, trước mắt phải đủ mạ để cấy và không được bỏ hoang diện tích.
2. Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các sở ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để chỉ đạo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và khôi phục sản xuất kịp thời, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời báo cáo về Ban thường vụ Tỉnh uỷ.
3. Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân hiểu để phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và bổ cứu sản xuất kịp thời, phấn đấu một vụ sản xuất Đông Xuân thắng lợi toàn diện.
4. Các đoàn công tác của Ban thường vụ Tỉnh uỷ phân công các thành viên trong đoàn bám sát các địa phương cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; đồng thời đôn đốc, động viên nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
5. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, báo Hà Tĩnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng thời lượng tuyên truyền, đưa tin thường xuyên về tình hình thời tiết, dịch bệnh, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi để người dân biết chủ động và tự giác thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét gây ra.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Công điện./.