Công khai, minh bạch trong tuyển dụng cán bộ

Theo chương trình Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 26/3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn về vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước; chế độ, chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn; giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở…

Nhiều đổi mới trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức

Báo cáo các đại biểu về công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh: Theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, chỉ cấp Bộ và cấp tỉnh mới có thẩm quyền tuyển dụng và không phân biệt giữa tuyển dụng công chức vào các cơ quan hành chính và viên chức vào các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Từ năm 2003, thực hiện quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung), việc tuyển dụng công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới. Đó là: Thẩm quyền tuyển dụng đối với viên chức đã phân cấp cho đơn vị sự nghiệp; phương thức tuyển dụng đối với công chức, viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển…



Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Sẽ hạn chế tình trạng “học giả, bằng thật"
(Ảnh:vietnamnet.vn)
 


Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng đã thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính. Đó là: Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tập trung vào đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hướng vào các nhu cầu đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng thẳng thắn nhận định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện cũng đang có nhiều hạn chế. Đó là, tính quy hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng chưa cao; chất lượng, hiệu quả còn thấp, cán bộ, công chức đi học nhiều, nhưng chưa thực sự nâng cao được chất lượng và hiệu quả công việc; hệ thống chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng biên soạn còn chậm, nội dung nặng về lý luận, ít tổng kết thực tiễn, chưa thật sự chú trọng vào việc trang bị kỹ năng, phương pháp làm việc; đội ngũ giảng viên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp giảng dạy nặng về thuyết trình…

Mở đầu phiên chất vấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến nêu thực tế bức xúc: Bằng thật, chất lượng giả đã được bổ sung vào hồ sơ tuyển dụng, hồ sơ đề bạt bổ nhiệm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu đã nhận định, khoảng 30% cán bộ, công chức làm được việc; khoảng 30% phải “cầm tay chỉ việc”; hơn 30% còn lại “cầm tay chỉ việc” mà vẫn không biết việc mà làm…

“Thưa Bộ trưởng, có phải khâu tuyển dụng có vấn đề, đó là chủ yếu nghiên cứu hồ sơ, đó là dựa vào bằng cấp là chính, là chưa coi trọng năng lực thực sự không? Một đợt thi tuyển công chức áp dụng cùng một đề thi cho cả trăm người, trong khi trăm người đó thi tuyển vào các công việc khác nhau. Áp lực bằng cấp vô hình chung đã làm cán bộ mua điểm, mua bằng, thuê thi, thuê học. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có tính đến Đề án đổi mới căn bản công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm trong thời gian tới theo hướng trình bày phương án nếu được tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, bố trí theo công việc không” – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến thẳng thắn chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói: Từ năm 2003, thực hiện quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung), tuyển dụng công chức, viên chức thi tuyển không chỉ có áp dụng một đề, mà người tuyển dụng phải thi 3 môn, đó là: Môn kiến thức chung, môn chuyên môn nghiệp vụ (môn chính); môn ngoại ngữ, tin học (môn điều kiện) để đảm bảo đầu vào đạt điều kiện. Thừa nhận thực tế có diễn ra tình trạng học giả, bằng thật, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết sẽ nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo để hạn chế tình trạng này.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị Bộ trưởng làm rõ số lượng cán bộ, công chức ở nước ta so với các nước như thế nào?

Trả lời đại biểu Vinh, Bộ trưởng cho biết, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ vũ trang là 2.832.000 người (chiếm 3,26% dân số). Còn nếu tính theo đội ngũ cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì là 7,5 triệu người. “Nắm qua nguồn của Ngân hàng Châu Á, tỷ lệ cán bộ công chức so với dân số thì: Nga chiếm 8,6%, Achentina 6,5%; Uruguay 6,5%, Trung Quốc 2,8%...” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.

Đại biểu Bùi Thị An – Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp đã thực hiện để việc tuyển dụng và thu nhận cán bộ, công chức, viên chức có hiệu quả? “Có dư luận nói rằng, có những ngành phải mất hàng trăm triệu đồng để được tuyển dụng thì Bộ trưởng có biết không và nếu biết thì Bộ trưởng dự định làm gì?” – Đại biểu An chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức, viên chức (theo ngạch, theo chức danh nghề nghiệp và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý); Đổi mới và nâng cao chất lượng tuyển dụng theo hướng công khai, minh bạch, khách quan và ứng dụng công nghệ tin học vào công tác thi tuyển công chức thông qua hình thức thi tuyển trên máy tính; Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện quy chế tiến cử người có tài năng đồng thời với các chính sách thu hút, phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ; Nâng cao trách nhiệm, tính kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; Nghiên cứu xây dựng chế độ từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý….

Về những tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ như đại biểu Bùi Thị An đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, sẽ tiếp thu để nghiên cứu cơ chế nhằm đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc công tâm, minh bạch, trật tự, kỷ cương.

Đại diện Đoàn đại biểu Bình Phước nêu tình trạng: Hiện nay, đội ngũ công chức của ta biểu hiện “khô cứng” tức là “khó vào và khó bị đào thải”. Bởi theo đại biểu, nhiều thanh niên được đào tạo có trình độ, năng lực rất khó được tuyển dụng; mặt khác, khi tuyển dụng rồi nếu không đảm nhận được công việc thì cũng khó bị chuyển công tác khác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.

“Theo tôi, khâu đột phá là tiến hành cải cách chế độ công vụ, công chức. Để giải quyết tình trạng này, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi được tuyển dụng vào làm việc phải được giao nhiệm vụ trong từng thời gian. Các cơ quan, đơn vị tuyển dụng cũng phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng người được tuyển dụng. Bên cạnh đó, người tuyển dụng cần đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tu dưỡng phẩm chất, đạo đức của người cán bộ” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải trình.

Xây dựng chế độ, chính sách phù hợp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, mức phụ cấp cao nhất đối với người hoạt động không chuyên trách là 1,0 so với mức lương tối thiểu chung, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2/3. Bên cạnh đó, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế với mức đóng bảo hiểm y tế (tính từ ngày 01/01/2010) bằng 4,5 % mức lương tối thiểu, trong đó người hoạt động không chuyên trách đóng 1/3, UBND xã đóng 2/3.

Thực tế, nhiều địa phương, ngoài nguồn Ngân sách Trung ương đã sử dụng ngân sách địa phương để chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách vượt quá quy định của Chính phủ tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đại biểu Huỳnh Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đều cho rằng: Đội ngũ này có vai trò rất quan trọng, nhưng chế độ, chính sách chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu Huỳnh Nghĩa và nhiều đại biểu khác đều đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu giải pháp để "giữ chân" lâu dài đội ngũ này?

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chia sẻ: “Tôi vốn là người trưởng thành từ cơ sở với hơn 40 năm làm tại cơ sở nên rất thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với các đối tượng là cán bộ chuyên trách, cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; đồng thời, cũng chia sẻ những khó khăn với cấp ủy chính quyền cơ sở trong việc xử lý, giải quyết chế độ chính sách cho đội ngũ cơ sở”.

Theo Bộ trưởng: Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức ở cấp này. Việc quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã được nêu tại các Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX), Trung ương 6 (Khóa X) của Đảng và đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Vì vậy, để có đủ căn cứ hoàn thiện toàn diện chế độ, chính sách đối với các đối tượng này cần phải tiến hành tổng kết các Nghị quyết của Đảng. “Trước mắt, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói

Chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Bùi Thị An – Đoàn đại biểu Hà Nội đề nghị, Bộ trưởng nói rõ bao giờ thì Bộ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, “trong tháng 4 này, chúng tôi sẽ thành lập Ban soạn thảo và trình Chính phủ.”

Kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã trả lời ngắn gọn, trực tiếp, thẳng thắn và hầu hết các nội dung chất vấn của 25 đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng đã làm rõ được những kết quả đạt được và những hạn chế trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước; chế độ, chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn; giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở.

Bộ trưởng cũng đã phân tích được những nguyên nhân của hạn chế và trách nhiêm của Bộ Nội vụ; đồng thời, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, của bộ máy chính quyền cơ sở.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp tục tổ chức thực hiện việc tổng kết đánh giá các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước để sớm sửa đổi, bổ sung những bất cấp; sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP…

Theo dangcongsan.vn