Gia Phố xây dựng nông thôn mới

Bí thư Ðảng ủy xã Gia Phố Nguyễn Văn Lương, cho chúng tôi biết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Gia Phố, cả cuộc đời gắn bó với làng xóm, nhưng chưa khi nào chúng tôi thấy nhân dân sôi nổi hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới như hiện nay, chính vì được nhân dân đồng tình tham gia, chỉ trong gần ba năm chúng tôi đã thực hiện những chỉ tiêu quan trọng, có tính chất quyết định cho phong trào xây dựng nông thôn mới".

Gia Phố là một trong 11 xã của Hà Tĩnh được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng. Ðây vừa là thuận lợi, nhưng cũng là thách thức, bởi Gia Phố là xã miền núi, có diện tích tự nhiên 1.175 ha, nhưng đất nông nghiệp chỉ có 621 ha và đất lâm nghiệp 223 ha. Toàn xã có 6.196 người, trong đó tỷ lệ đồng bào Công giáo chiếm gần 78%. Nhiều năm trước đây, Gia Phố là một xã nghèo, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn vì sản xuất manh mún, độc canh, ngành nghề không phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông bị chia cắt. Khó khăn là vậy nhưng qua ba năm thực hiện mô hình điểm xây dựng nông thôn mới từ năm 2009 đến 2011, Gia Phố đã đạt được một số kết quả rất đáng trân trọng. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15% (ba năm trước đó đạt 11%). Giá trị sản xuất một ha bình quân đầu người đạt 16,1 triệu đồng/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2009, bằng 1,4 lần bình quân chung toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo từ 37,73% xuống còn 5,28%. Ðến năm 2011, tổng thu nhập toàn xã đạt 99,755 triệu đồng, trong đó thu nhập từ nông, lâm nghiệp là 27,405 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 27,5%. Thu từ dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 72,350 triệu đồng, chiếm 72,5%.

Vì sao trong một thời gian ngắn Gia Phố lại có bước tiến nhảy vọt như vậy? Ðể có câu trả lời, chúng tôi đã về Gia Phố, đi thăm một số công trình cơ sở hạ tầng, các hộ nông dân làm nghề thủ công, chăn nuôi và làm dịch vụ kinh doanh giỏi. Ðồng thời, làm việc với lãnh đạo huyện Hương Khê, Ðảng ủy, UBND xã Gia Phố, từ đó có điều kiện hiểu được tâm tư, tình cảm những thuận lợi khó khăn và cuối cùng là sự đồng thuận cao của toàn thể nhân dân đối với chủ trương và quyết sách xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước. Ðể tạo được sự đồng thuận đó, Ðảng bộ, chính quyền, các đoàn thể trong xã đã phải dày công suy nghĩ, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp. Bước đầu có thể nêu lên mấy kinh nghiệm sau:

Muốn tạo được sự đồng thuận cao với chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ hàng đầu là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung phương pháp xây dựng nông thôn mới. Qua đó, phát huy tính tự giác, chủ động của xã hội vào nhiệm vụ quan trọng này. Nội dung và phương pháp tuyên truyền cần phải sâu sát, cụ thể, liên tục đổi mới và phù hợp trình độ, tập quán của nhân dân. Ðặc biệt, cần tạo điều kiện cho người dân được trực tiếp tham gia góp ý kiến vào những quy hoạch, biện pháp và phải minh bạch mọi nguồn lực, nguồn tài chính để họ yên tâm, tin tưởng.

Quy hoạch phải đi trước một bước làm cơ sở, tiền đề cho xây dựng các công trình, chỉnh trang, phát triển cơ sở hạ tầng. Quy hoạch phải làm rõ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch ruộng đất, quy hoạch vùng, ngành, địa phương. Các đơn vị tư vấn phải gắn kết hài hòa quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, văn hóa trên địa bàn xã.

Trên cơ sở quy hoạch, tập trung xây dựng các phương án sản xuất xác định rõ các loại cây, con chủ lực trên địa bàn, các sản phẩm, ngành nghề mũi nhọn, có giá trị kinh tế, xuất khẩu cao. Ở Gia Phố, Hội Nông dân xã đã tham mưu và vào cuộc rất năng động, sáng tạo trong lĩnh vực này. Sau ba năm triển khai xây dựng nông thôn mới, hội đã vận động được 450 hội viên tham gia 14 lớp ngành nghề, được cấp chứng chỉ nghề như: kỹ thuật trồng lúa, chăn nuôi lợn thịt, nuôi hươu, làm vườn bưởi Phúc Trạch, sửa chữa máy nông nghiệp, chế biến bánh sợi, bánh cuốn...

Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán thật sự có tâm, có tầm. Có chính sách cơ chế, điều kiện để thu hút cán bộ, sinh viên mới tốt nghiệp về quê hương tham gia xây dựng nông thôn mới.

Gia Phố là một xã có truyền thống cách mạng. Những truyền thống vẻ vang đó đã và đang được Ðảng bộ và nhân dân Gia Phố chuyển vào xây dựng mô hình thí điểm toàn quốc về xây dựng nông thôn mới. Thuận lợi có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Tuy nhiên, những gì mà Gia Phố đã và đang làm được, cho phép chúng ta tin tưởng nhất định Gia Phố sẽ thành một hình mẫu, một điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong toàn quốc.

 

Theo nhandan.com.vn
MINH SƠN và LÊ HỮU QUẾ