Gia hạn sử dụng đất nông nghiệp đến 2033
- Thứ ba - 13/03/2012 03:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TN-MT) Đào Trung Chính, ba vấn đề lớn đang được dư luận quan tâm là tiến độ và kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý việc hết thời hạn giao đất theo Luật Đất đai 1993; tiến độ sửa đổi Luật Đất đai năm 2003.
Về xử lý đối với giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khi hết thời hạn giao đất mà chưa có Luật Đất đai sửa đổi, ông Chính cho biết sẽ tiếp tục giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân tiếp tục SX nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối khi hết thời hạn giao đất 20 năm. Đây cũng là chủ trương đã được khẳng định nhất quán trong các Luật Đất đai qua các thời kỳ.
Về những vấn đề phát sinh trước thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp, các hộ có nhu cầu tiếp tục được sử dụng đất sẽ được điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đến năm 2033 (thêm 20 năm nữa). Đối với các trường hợp này, người sử dụng đất không phải làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng đất mà áp dụng thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp (bìa 4). Khi người sử dụng có nhu cầu thừa kế, chuyển nhượng… thì đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục.
Nhà nước cũng sẽ tiến hành thu hồi đất đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp nhưng đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất chuyên trồng lúa nước; trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, xin gia hạn sử dụng hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn sử dụng đất.
Dự tính, tháng 6, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Chính phủ và tháng 8 sẽ trình UB Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến thông tin này, ông Phùng Văn Nghệ, nguyên quyền Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai nhận xét, về thời hạn giao đất nông nghiệp, có rất nhiều ý kiến nêu về nội dung này. “Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nên giao đất nông nghiệp theo hướng không có thời hạn, tức là giao lâu dài. Vì sao lại phải như vậy? Bởi lẽ nó sẽ tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất tối ưu vì các lý do sau đây: Thứ nhất, người dân sẽ quản lý tốt hơn và linh động trong chọn lựa kiểu sử dụng đất trên vùng sinh thái được quy hoạch và khuyến cáo của nhà nước cho sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là họ sẽ đầu tư tốt hơn cho sản xuất lâu dài mà không sợ rủi ro do việc thu hồi đất nếu có xảy ra như trong điều kiện hiện nay. Thứ ba là họ sẽ giảm thiểu chi phí xã hội do các bất cập, khiếu kiện xảy ra khi không xác lập quyền sở hữu và lũng đoạn trong việc thu hồi đất. Thứ tư, thực hiện quan điểm của Đảng về lo cho đời sống nông dân, nhất là việc thực hiện chính sách “tam nông” sẽ hiệu quả hơn.
Còn ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia kinh tế, thì cho rằng, ngoài việc giao đất lâu dài (khoảng từ 70 đến dưới 100 năm), thì nên xác lập quyền sở hữu thực sự của nông dân đối với đất nông nghiệp. “Chúng ta xác định xem có quyền sở hữu về đất không? Cân nhắc xem đối với những nơi không liên quan đến an ninh quốc gia, hoặc liên quan đến những vùng khoáng sản, dầu mỏ, có tài nguyên trong lòng đất, có nên cho dân có quyền sở hữu không? Trong trường hợp chúng ta nói rằng toàn bộ đất đai cũng như khoáng sản là của chung, của toàn dân, chỉ giao quyền sử dụng chứ không giao quyền sở hữu, tại sao không tính đến chuyện giao 50 năm, hoặc 100 năm…?
Theo tôi, bản thân người dân lúc nào cũng muốn yên ổn làm ăn, không muốn xung đột. Tôi nói luôn là ngay chính sách về đất đai của Việt Nam đang rất có vấn đề. Bởi vì đất nông nghiệp của mình đang bị cư xử rất tệ. Hiện đất nông nghiệp chỉ được coi là tư liệu sản xuất chứ chưa phải là tài sản của người dân. Vì thế, phải biến đất nông nghiệp thành tài sản của dân để họ lấy cái đó làm nguyên liệu cho việc làm giàu".
Theo nongnghiep.vn