Linh hoạt khi gia hạn sử dụng đất nông nghiệp

Linh hoạt khi gia hạn sử dụng đất nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Người đang sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao theo phương án giao đất nông nghiệp đã được phê duyệt trước đây sẽ được áp dụng thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận mà không phải làm thủ tục cấp mới.

 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Đào Trung Chính - Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là một trong những giải pháp để kịp thời giải quyết một số vấn đề phát sinh trước thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp vào năm 2013, được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính nêu ra khi trao đổi với báo chí chiều 7/3.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối thường trú tại địa phương đang sử dụng đất nông nghiệp có nguồn gốc đất do Nhà nước giao theo phương án giao đất nông nghiệp đã được phê duyệt trước đây nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đến năm 2033 (thêm 20 năm nữa) trên Giấy chứng nhận đã cấp.

Khi người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất (thế chấp, chuyển nhượng) thì đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục điều chỉnh thời hạn trên Giấy chứng nhận.

Về gia hạn sử dụng đất nông nghiệp áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân không thường trú tại địa phương sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp khó giao, khó chia, đất trống, đồi núi trọc, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước… được các địa phương cho đấu thầu, giao, cho thuê có thời hạn đến nay đã hết thời hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được gia hạn sử dụng. Người sử dụng đất phải làm thủ tục để được gia hạn sử dụng đất theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc cấp Giấy chứng nhận mới, khi thực hiện việc dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới hoặc người sử dụng đất có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới thì thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận là đến năm 2033.

Tính đến ngày 31/12/2011, cả nước đã cấp được hơn 35,3 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại với tổng diện tích hơn 20 triệu ha. Trong đó tỷ lệ diện tích cấp giấy cụ thể là: đất ở đô thị 63,5%, đất ở nông thôn 82,1%, đất chuyên dùng 60,5%, đất cơ sở tôn giáo 81,6%, đất sản xuất nông nghiệp 85,2%, đất lâm nghiệp 86,3%, đất nuôi trồng thuỷ sản 83,8%.

Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành bảng giá đất năm 2012 và công bố công khai bảng giá đất. Nhìn chung, việc xác định giá đất nông nghiệp chủ yếu được thực hiện trên cơ sở phân tích kết quả điều tra, khảo sát các mức chi phí, thu nhập để xác định giá theo phương pháp thu nhập nên giá đất nông nghiệp năm 2012 của nhiều địa phương quy định đã sát và phù hợp với thực tế hơn so với các năm trước đó.

Nhiều địa phương đã xây dựng bảng giá đất chi tiết, một số nơi xây dựng bản đồ giá đất gắn với hồ sơ địa chính tại một số xã, phường thí điểm để triển khai nhân rộng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính về đất đai.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các quyết định về thời hạn giao đất của địa phương để giải quyết từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, yêu cầu tất cả các địa phương báo cáo về tình hình sử dụng đất bãi ven sông ven biển và cử đoàn công tác xuống các địa phương để nắm tình hình, từ đó có cái nhìn tổng thể để chỉ đạo việc xử lý.
 

Theo chinhphu.vn