Quyết định 24: Chính sách lớn, tiếp cận chậm!
- Thứ hai - 09/04/2012 06:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chính sách rộng lớn
Đối với Hà Tĩnh, sản xuất nông nghiệp là một ngành trọng điểm, hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản xuất của tỉnh. Trong điều kiện khó khăn bởi các yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh bất thường, để đưa ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó phải kể đến Quyết định 24 về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn.
Máy gặt đập liên hợp đã phát huy tác dụng trên đồng đất Can Lộc |
Quyết định 24 là một hệ thống chính sách dành cho phát triển nông nghiệp hết sức rộng lớn cả về đối tượng áp dụng (các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn, cũng như phạm vi điều chỉnh (các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn từ 2011 đến 2015). Đặc biệt, mức hỗ trợ được coi là lớn nhất từ trước đến nay.
Năm 2011 là năm khởi đầu cho chiến lược 5 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Quyết định 24. Theo đó đã có gần 7 tỷ đồng được hỗ trợ đầu tư cho các loại hình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tỉnh 85%, huyện 10% và xã 5%.
Chiếm tỷ lệ lớn về mức đầu tư và số lượng đầu tư là lĩnh vực chăn nuôi lợn. Hầu hết các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh đã được đầu tư theo Quyết định 24 đều được tổ chức khảo sát, đánh giá khách quan và chính xác về quy mô cũng như năng lực sản xuất.
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã được hỗ trợ số tiền lớn như: HTX chăn nuôi Kỳ Bắc (Kỳ Anh) 500 triệu đồng; trang trại chăn nuôi và sản xuất các loại giống cá nước ngọt của bà Lê Thị Phương ở xã Hương Vĩnh (Hương Khê) 500 triệu đồng; HTX chăn nuôi Khánh Lộc (Can Lộc) 280 triệu đồng…
Mặc dù số tiền hỗ trợ không lớn, nhưng đối với các xã tái định cư ở Kỳ Anh thì số tiền 3 triệu đồng cho một bể khí bioga đã giúp các hộ chăn nuôi ở đây yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô hộ đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô trên 500 con sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Quyết định 24 |
Ở một góc độ cao hơn, theo ông Nguyễn Văn Việt - Phó giám đốc Sở NN&PTNT, thì khi các chính sách từ Quyết định 24 đi vào cuộc sống với tính chất hỗ trợ đa lĩnh vực, đã tạo được mục tiêu và động lực quan trọng để tạo ra một phong trào phát triển nông nghiệp toàn diện và rộng khắp; khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, hiệu quả cao; áp dụng được nhiều các tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất, từng bước tạo ra được một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Tiếp cận chậm
Là một hệ thống chính sách cực kỳ quan trọng, có vai trò là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng sau gần 1 năm được xây dựng, nhìn chung việc triển khai các chính sách còn gặp nhiều vướng mắc; vấn đề tiếp cận nguồn hỗ trợ của người dân với chính sách của tỉnh vẫn còn nhiều việc phải bàn.
Trước tiên phải kể đến tình trạng thiếu thông tin ở phía người nông dân. Mặc dù tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt thông qua nhiều hình thức nhằm chuyển tải thông tin về chính sách đến tận người nông dân, song do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm việc thông tin, tuyên truyền phổ biến đến tận người dân một cách đầy đủ, chính xác.
Do đó, ở nhiều địa phương cơ sở, không chỉ người dân mà cả các lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cũng đang khá mơ hồ về các nội dung của Quyết định 24. Bên cạnh một số địa phương đã cố gắng triển khai thực hiện đạt được kết quả khá bước đầu với số vốn đã được giải ngân khá lớn như: Kỳ Anh, Hương Khê, Lộc Hà, thì nhiều địa phương khác chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt nên hiệu quả chưa cao.
Chính sách từ Quyết định 24 là cơ hội tốt cho công tác phát triển rừng của tỉnh |
Do chưa hiểu về các nội dung của Quyết định 24, về qui định cơ cấu phân nguồn của tỉnh, nhiều địa phương đề nghị nguồn hỗ trợ quá lớn, không phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nông nghiệp phần lớn còn nhỏ lẻ, manh mún, khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ.
Về phía các chính sách trong Quyết định, vẫn còn một số bất cập cần phải tiếp tục đánh giá và sửa đổi phù hợp hơn. Chẳng hạn như, các thủ tục liên quan đến giải quyết chính sách hỗ trợ còn rườm rà, phức tạp, mang nặng tính hành chính… vì vậy chưa khuyến khích được đại đa số người dân đầu tư phát triển sản xuất.
Qui định các tiêu chí hỗ trợ đối với hầu hết các loại hình sản xuất, kinh doanh còn cao, chỉ các doanh nghiệp và hộ sản xuất có tiềm lực đủ lớn mới có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ. Ví dụ như việc hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm, để lọt vào tầm hỗ trợ, quy mô đàn lợn phải đạt 500 con, trong khi đó số hộ đảm bảo tiêu chuẩn này là rất ít, phần lớn chỉ có từ 300 con trở xuống.
Nhiều hộ dân đề xuất, tỉnh nên phân mức hỗ trợ cho từng loại hình sản xuất và qui định mức hỗ trợ theo từng cấp độ. Theo đó, chính sách sẽ đến được với nhiều hộ dân hơn, tạo ra được phong trào phát triển sản xuất kinh doanh sôi động.
Cần triển khai quyết liệt
Quyết định 24 về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của UBND tỉnh là một hệ thống chính sách đã được tỉnh nghiên cứu xây dựng trên cơ sở quá trình thực hiện đề án sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; là cơ hội không thể tốt hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.
Công ty TNHH Phú Mại, xã Hộ Độ đã được hưởng chính sách của Quyết định 24 trong năm 2011 |
Đây là một hệ thống chính sách rộng lớn, đa lĩnh vực, lại vừa mới được triển khai nên sẽ khó tránh khỏi những tồn tại, vướng mắc. Điều đáng quan tâm là, cùng với quá trình thực hiện các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, các địa phương, cơ sở cần phải coi việc triển khai thực hiện chính sách này như một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, là cầu nối nhằm đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân, các mô hình sản xuất, kinh doanh đã, đang và sẽ đầu tư được tiếp cận nguồn vốn chính sách một cách thuận lợi, đầy đủ và công bằng, để họ có điều kiện phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh của mình.
Đặc biệt là cần phải triển khai thực hiện một cách quyết liệt, có trách nhiệm; qua đó rút ra được những bài học kinh nghiệm, chỉ ra được những khó khăn, tồn tại để tỉnh có cơ sở tổ chức tổng kết, đánh giá và bổ sung, điều chỉnh nội dung của Quyết định đảm bảo đầy đủ và phù hợp hơn.
Năm 2012, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh được phê duyệt 30 tỷ đồng. Đây có thể nói vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là một thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện “sứ mệnh” của mình đối với cuộc sống của nhân dân, với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương trong thời kỳ mới.
Tiến Thành
Đài PT- TH Hà Tĩnh