Tập trung đào tạo lao động nông thôn

Tập trung đào tạo lao động nông thôn
Sáng 7/1, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Tại Hội nghị, nhìn lại công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2012, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa thẳng thắn cho hay, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Nhiều chỉ tiêu không đạt

Những chỉ tiêu không đạt được Thứ trưởng Hòa dẫn chứng cụ thể: Việc làm tăng thêm hơn 1,31 triệu người nhưng tính chung giải quyết việc làm trong nước chỉ đạt 95,36% kế hoạch. Xuất khẩu lao động 80 ngàn người (trong đó 26,8 ngàn lao động nữ) đạt 88,9% kế hoạch. Công tác dạy nghề, đã tuyển mới dạy nghề cho trên 1,4 triệu người, cũng chỉ đạt 78,6% kế hoạch. Còn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2012 còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011 (mục tiêu là 2%).

Cùng với những kết quả không đạt chỉ tiêu, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành như trong thực hiện chương trình công tác, một số đề án chuẩn bị còn chậm; còn nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên; thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ; chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; nguồn lực đầu tư cho dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế; đời sống người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; tệ nạn ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp. Bất cập còn thể hiện ở việc cải cách hành chính chưa toàn diện, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiện tượng lừa đảo trong xuất khẩu lao động, lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả không cao, khai man làm hồ sơ để hưởng chính sách và ngược đãi trẻ em vẫn xảy ra ở nhiều địa phương.


“Tạo nghề vững chắc cho lao động nông thôn còn hơn đưa họ nhiều tiền” - nhiều đại biểu kiến nghị

Nhiều lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Đồng Nai… có chung quan điểm trên. Các đại biểu đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), đặc biệt cần làm rõ những vấn đề có thể phát sinh trong thi hành Bộ luật này. Đồng thời nâng mức hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội; tăng cường công tác thông tin về lao động, việc làm.

Phải có Trung tâm dự báo thị trường lao động

Bàn về câu chuyện đào tạo nghề trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao 9 chỉ tiêu và 14 giải pháp mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra như tuyển mới dạy nghề 1.900 nghìn người, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề 400 ngàn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 1,5 triệu người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 600 nghìn lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%. Xây dựng mới 1.000 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt, mất mùa…

Tuy nhiên, để đạt được những chỉ tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu ngành lao động phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng thể chế phù hợp và không được coi thường, xem nhẹ nó. Các văn bản Luật, Nghị định hướng dẫn - khung hành lang pháp lý phải chính xác từng từ. Bộ máy thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện các văn bản, nghị định đó phải được tăng cường. “Chúng ta không đặt ra bộ máy quản lý cồng kềnh nhưng vẫn phải có đủ người để thực hiện nó. Thêm vào đó, mỗi địa phương cần thành lập một Trung tâm dự báo thị trường lao động bởi đây là kênh thông tin rất quan trọng để các địa phương lên kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH phải tập trung tìm ra nguyên nhân và đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là với đồng bào dân tộc để quyết tâm trong năm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp nhất. Ngành phải tập trung đầu tư đào tạo nghề cho nông thôn gắn với việc làm sau khi học xong và dạy nghề có chất lượng cao cho nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, phải đào tạo những nghề người nông dân đang làm, họ học để thêm kiến thức và cho năng suất cao hơn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho hay, năm 2013 sẽ tập trung dạy nghề cho 2 nhóm đối tượng: Tay nghề bậc cao và lao động nông thôn. Ngoài ra, để phấn đấu có 8 nghề trong năm 2015 đạt chuẩn đầu ra, được thế giới công nhận, Tổng cục đã làm việc và được hai nước Hàn Quốc và Malaysia đồng ý chia sẻ Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho Việt Nam. Với bộ tiêu chuẩn nghề này, các địa phương sẽ có cơ sở để áp dụng. “Chúng tôi cũng đang thí điểm việc kết hợp DN vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo điều kiện cho người lao động có ngay việc làm sau khi ra trường” - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chia sẻ. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu các địa phương, tập trung đầu tư những cơ sở dạy nghề lớn, có chất lượng, cơ sở không đảm bảo chất lượng có thể xem xét đóng cửa.

Theo nongnghiep.vn