1.400 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới khu vực biên giới
- Thứ bảy - 11/08/2018 22:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phấn đấu không còn xã dưới 5 tiêu chí nông thôn mới
Đến tháng 7/2018, cả nước có 3.370 xã (chiếm 37,76% tổng số xã của cả nước) được công nhận đạt chuẩn xã NTM, có 53 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 1.922 xã đạt dưới 10 tiêu chí, trong số này có khoảng 363 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt dưới 10 tiêu chí (trong đó có 52 xã dưới 5 tiêu chí). Những tiêu chí chưa đạt hầu hết là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường.
Tại Hội nghị toàn quốc về “Xây dựng NTM tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững” được tổ chức mới đây tại Điện Biên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ: “Khi đời sống cư dân nông thôn ở đồng bằng ngày một thay đổi mà đời sống của bà con ở những vùng sâu, địa bàn “phên dậu” của Tổ quốc vẫn còn nhiều khó khăn thì không thể để như vậy được”, vì vậy, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, địa phương xây dựng Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”, tập trung cho các xã đang đạt dưới 10 tiêu chí.
Theo đó, góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí NTM, trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào năm 2020, Đề án sẽ hỗ trợ cho 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của 35 tỉnh, trong đó có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3 đến 4% bình quân hàng năm...
Cần tư duy mới, cách làm mới
Tại tỉnh Điện Biên, nếu để hơn 100 xã còn lại đạt chuẩn NTM thì cần phải đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng (trung bình đầu tư 200 tỷ đồng/xã) - con số mà ngân sách và sự ủng hộ của xã hội không thể đáp ứng nổi trong ngắn hạn. Do đó, “Xây dựng NTM luôn phải có sức sống mới dựa vào tư duy mới, cách làm mới. Trong giai đoạn này sự chỉ đạo của TƯ là quan trọng nhưng sự sáng tạo của người dân, cộng đồng là quyết định cho thành công của chương trình”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế mà địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trải rộng, lại có địa hình chia cắt, phức tạp, vì vậy, thời gian qua, nhiều tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã triển khai các cách thức tiếp cận mới, sáng tạo khi thực hiện xây dựng NTM tại các thôn, bản, ấp. Thay vì tập trung đầu tư để hình thành các xã NTM ở vùng cao, các địa phương trên đã chuyển hướng đầu tư cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của NTM, trực tiếp tác động tới sinh hoạt, đời sống của từng hộ gia đình ở các bản, ấp. Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên của cả nước đã ban hành được bộ tiêu chí riêng của tỉnh về thôn, bản NTM.
Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020” xác định dành 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trích từ tổng số 10% vốn dự phòng của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi hỗ trợ của Đề án. Vốn phân bổ hàng năm của TƯ cho các địa phương theo hệ số ưu tiên để thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, ngân sách địa phương, vốn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ cho vùng khó khăn...