10 năm Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 26: Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là chương trình KT-XH trọng tâm
- Thứ năm - 31/05/2018 21:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ đã chia sẻ với NNVN vấn đề này.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Quyền (giữa) đi kiểm tra, chỉ đạo sản xuất |
Xin ông nêu vài nét khái quát về quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà?
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mặc dù quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện gặp phải không ít khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và dân dân trong tỉnh đã ra sức phấn đấu, giành được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Đại hội 18 nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều xác định phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình KT-XH trọng tâm, được đặt ở vị trí đầu tiên.
Những năm qua, ngành nông nghiệp Thanh Hóa có những bước phát triển vượt bậc. Ông có thể nói cụ thể hơn?
Thanh Hóa có diện tích trồng trọt lớn các tỉnh phía Bắc, riêng diện tích gieo trồng lúa nước hàng năm đạt khoảng 250.000ha, trong đó vụ chiêm xuân 120.000ha, vụ mùa là 130.000ha.
Quá trình sản xuất, tỉnh chủ động chỉ đạo đưa tiến bộ KH-KT vào thâm canh các loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực để nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
Hiện nay Thanh Hóa đang áp dụng chương trình vùng lúa thâm canh chất lượng cao trên diện tích gần 70.000ha, năng suất bình quân đạt trên 75 tạ/ha, đồng thời đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào áp dụng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng được vùng mía khoảng 28.000ha phục vụ nguyên liệu cho 3 nhà máy trên địa bàn với tổng công suất 19.000 tấn/ngày; hình thành diện tích trồng ngô quy mô 50.000ha, trong đó có nhiều cây ngô biến đổi gen đang phát huy giá trị vượt trội
Cùng với đó, chuyển đổi linh hoạt hơn 23.000ha đất trồng lúa, mía, lạc, sắn kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác.
Với một tỉnh đất rộng, nhiều tiềm năng về chăn nuôi đại gia súc như Thanh Hóa, tỉnh đã tận dụng, phát huy lợi thế này ra sao?
Thanh Hóa xác định chăn nuôi là lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển. Bên cạnh củng cố chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn dịch bệnh và đảm bảo môi trường, tỉnh chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại (chương trình xây dựng NTM quy hoạch mỗi xã có 1 cụm trang trại) để khuyến khích các gia đình có khả năng, tiềm lực triển khai.
Thời gian qua, tỉnh tập trung kêu gọi các DN lớn tham gia đầu tư theo hình thức trang trại quy mô tập trung gắn với xây nhà máy chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và XK.
Nhờ ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nên công tác kêu gọi đầu tư ngày càng đạt kết quả cao. Nổi bật phải kể đến dự án trang trại bò sữa quy mô 10.000 con của Vinamilk, dự kiến tới đây sẽ tăng đàn lên 50.000 con; dự án bò sữa quy mô 20.000 con của Cty CP Ứng dụng Công nghệ cao Nông nghiệp và thực phẩm sữa TH; dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 10.000 bê Úc của Cty CP Chăn nuôi Bá Thước; dự án Liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản quy mô 100.000 tấn/năm và 70.000 con lợn của Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương; trang trại quy mô 9.000 con lợn cái, 250.000 con lợn thịt của Cty TNHH New Hope - Singapore; dự án xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm XK Viet Avis quy mô 2.500 con gia cầm/giờ của Tập đoàn Mastergood - Hungary và Cty CP Nông sản Phú Gia...
Về lâm nghiệp, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, đặc biệt là phát huy giá trị của cây luồng. Hiện đã có nhiều DN tiềm năng đầu tư vào lâm nghiệp, tiêu biểu là Nhà máy chế biến gỗ Thành Nam (Như Xuân), Cty TNHH Thanh Thành Đạt, Cty TNHH Thanh Hòa, Cty TNHH Innogreen (Tĩnh Gia)....
Về thủy sản, trên địa bàn tỉnh có trên 8.000 phương tiện đánh bắt với gần 1.900 tàu công suất lớn, tiến hành khai thác ở tất cả các ngư trường, tổng sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 140.000 tấn.
Không dừng lại ở đó, Thanh Hóa đã biết tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao (nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nuôi ngao, nuôi cá giò, cá mú...) để từng bước nâng giá trị sản phẩm, riêng năm 2017 đã đạt mức 168,6 triệu đồng/ha năm, tăng 110,3 triệu đồng/ha so với năm 2008.
Thời gian tới khu vực “tam nông” của tỉnh sẽ chuyển dịch như thế nào, thưa ông?
BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-TU ngày 20/4/2015 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm |
Theo đó khu vực “tam nông” sẽ được đầu tư, tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao; xây dựng được một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm có lợi thế. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn.
Xây dựng NTM tại Thanh Hóa thực sự có bước đột phá lớn. Ông có thể cho biết một số kết quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnht hời gian qua?
Để có được thành quả ngày hôm nay, Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo ban hành nhiều quy định, cơ chế phù hợp: Thống nhất từ tỉnh đến xã đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng BCĐ; gắn chương trình MTQG xây dựng NTM với phát triển nông nghiệp; gắn phong trào xây dựng NTM với nhiệm vụ xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu; ban hành các tiêu chí kiểu mẫu hướng đến mục tiêu xây dựng NTM bền vững, thực chất.
Chúng tôi xác định tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong quá trình xây dựng NTM. Vì vậy, thời gian qua đã lồng ghép các chương trình, huy động hiệu quả các nguồn lực để cụ thể hóa mục tiêu trên.
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, hiện thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn đạt 24,8 triệu đồng, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,43%, giảm 11,97% so với năm 2008. Đến nay có 1 huyện (Yên Định), 244 xã (tương đương 42,6% số xã) đạt chuẩn NTM; 524 thôn, bản, trong đó có 391 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 15,1 tiêu chí/xã, không có xã nào dưới 5 tiêu chí.
Đầu tư đúng trọng tâm, mục đích nên chất lượng các tiêu chí được cải thiện rõ, hệ thống cơ sở hạ tầng, hoạt động sản xuất, dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn có bước phát triển vượt bậc, diện mạo NTM ngày một thay đổi toàn diện.
Xin cảm ơn ông!
"Nhiệm vụ đặt ra trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh. Trên tinh thần đó, Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp, huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tiếp tục thực hiện 4 khâu đột phá đã được xác định tại Nghị quyết số 16-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh: Đột phá về tổ chức sản xuất, đột phá về ứng dụng tiến bộ KH-CN, đột phá về chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đột phá về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực giữ ổn định mức 1,5 triệu tấn/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,03%; tỷ lệ sản phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn đạt 100%, trong đó sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2014; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; có 60% số xã, 5 huyện đạt chuẩn NTM…". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền |