10 năm nông thôn mới: Sơn Tây đổi thay khi dân đồng thuận
- Thứ năm - 28/11/2019 18:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hoàn thành vượt kế hoạch
Theo bà Phan Thị Hảo - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, trong những năm qua, Sơn Tây đã tập trung chỉ đạo các xã hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, vượt kế hoạch thành phố giao 52,93ha; 100% đường giao thông trục xã, liên xã, 100% đường liên thôn, trục thôn được cứng hóa; 96,3% đường thôn xóm được kiên cố hóa.
Đến nay, 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 97,1% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 87,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế…
"Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn thị xã hiện đã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,3%" - bà Hảo thông tin.
Nuôi gà đặc sản đang mang lại thu nhập cho bà con tại các xã của thị xã Sơn Tây (Hà Nội). (ảnh: Hải Đăng)
Cũng theo bà Hảo, để đạt được kết quả trên, từ năm 2010 đến nay, thị xã đã bố trí hơn 1.564 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp 32,3km đường giao thông trục xã, liên xã, 52,12km đường giao thông liên thôn, 73,73km đường giao thông ngõ xóm và 76,99km đường trục chính nội đồng... Cùng với đó, cải tạo và xây dựng mới 25 điểm trường học; xây dựng mới 2 trung tâm văn hóa xã tại xã Sơn Đông và Thanh Mỹ; xây dựng, sửa chữa 59 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Cải tạo và xây dựng mới 3 trụ sở UBND các xã: Sơn Đông, Thanh Mỹ, Kim Sơn.
Điển hình như xã Kim Sơn là nơi có xuất phát điểm rất thấp, nhiều tiêu chí tưởng chừng khó đạt. Nhưng đến nay, các tiêu chí xây dựng NTM của xã đều đã đạt chuẩn, trong đó tiêu chí “cứng” hóa đường giao thông nội đồng, mương nội đồng đã hoàn thành và được chấm điểm rất cao (10/10 điểm).
Theo bà Lê Thị Chính - Chủ tịch UNBD xã Kim Sơn, có được kết quả này, một phần là nhờ đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, sâu sát đến từng hộ dân để bà con hiểu, xây dựng NTM là sự nghiệp của chính nhân dân, có lợi cho nhân dân, qua đó kích thích được tinh thần tự giác của bà con. "Việc cứng hóa giao thông nội đồng, mương nội đồng và nhiều phần việc khác đều có công sức đóng góp nhiệt tình của bà con, nhờ đó nhiều công trình, phần việc đã hoàn thành rất nhanh chóng" - bà Chính khẳng định.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi
Từ năm 2010 đến nay, Nhà nước hỗ trợ 20.149 triệu đồng để đào tạo nghề cho 8.597 lao động nông thôn của Sơn Tây, trong đó có 6.910 lao động có việc làm qua đào tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt 45,63%; tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%. |
Bà Phan Thị Hảo cho biết thêm, mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng giảm do quá trình đô thị hoá, nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp thời gian qua vẫn tăng 3-5%/năm. Sơn Tây đã và đang tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó có nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi gà Mía, nuôi thỏ sinh sản, nuôi dê thương phẩm, trồng bưởi Diễn, nấm, sản xuất kẹo…
Trên địa bàn thị xã đã bước đầu hình thànhmột số mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, điển hình là chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà mía của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây; nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn. Đây cũng là 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thị xã.
Chia sẻ về định hướng thực hiện xây dựng NTM thời gian sắp tới, ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho hay: UBND thị xã đã chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và nâng cao thu nhập; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân; đảm bảo hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Theo Hải Đăng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây