15 năm, một phong trào

15 năm, một phong trào
Người dân thôn Bì La, xã Bàn Giản, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), góp ngày công xây dựng đường liên thôn
Người dân thôn Bì La, xã Bàn Giản, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), góp ngày công xây dựng đường liên thôn

 

Phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân...

Bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương, của tỉnh về việc triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2000-2015, BCĐ huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành các nghị quyết, kế hoạch, thông tri về mục tiêu phát triển phong trào, UBND huyện xây dựng chương trình số 376 về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa…

Hằng năm, BCĐ tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức văn hóa – xã hội, thành viên BCĐ các xã, thị trấn, trưởng các thôn, làng tham gia công tác chỉ đạo, điều hành phong trào cơ sở...

Để phong trào tạo sự đồng thuận sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình kinh tế hộ phong phú, đa dạng, hiệu quả. Nhiều ngành nghề mới được du nhập, nhân rộng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhân dân như nghề mây tre đan, mây tre xiên, trồng dâu, nuôi tằm, phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao...

Được xem như là nội dung cốt lõi trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đã được triển khai sâu rộng đến từng khu dân cư, cơ quan, đơn vị và đến từng hộ gia đình. Từ đó, các hộ gia đình có ý thức chấp hành pháp luật, tích cực đóng góp trí tuệ, vật chất xây dựng quê hương.

Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có gần 85% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 142/214 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, 100% thôn, làng, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước và có đủ các thiết chế về văn hóa.

Thực hiện cuộc vận động, trên địa bàn huyện Lập Thạch đã dấy lên phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều địa phương như Quang Sơn, Thái Hòa, Vân Trục, Ngọc Mỹ… đã chủ động đưa các tiến bộ KHKT vào SX, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Nếu như năm 2000 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 8,4% thì đến cuối năm 2015 giảm còn 4,8%, 18/18 xã đạt chuẩn nghèo theo tiêu chí NTM so với bình quân chung của tỉnh. Đặc biệt, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp sức xây dựng NTM.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, người dân đã đóng góp 21.506 ngày công, hiến 205.317m2 đất để xây dựng đường làng ngõ xóm, giao thông nội đồng; ủng hộ hơn 1,8 tỷ đồng, cứng hóa được 385,6km đường nông thôn góp phần đưa số xã đạt chuẩn NTM lên 10/18 xã.

Những kết quả đạt được từ phong trào không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

 

Theo: Nông nghiệp Việt Nam