2016: đẩy mạnh công nghệ cao và hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” diễn ra sáng 4.1.2017 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KHCN cho biết các loại hình khu công nghệ cao như: Khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đang tiếp tục được quan tâm phát triển.
Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh: Internet

Từ khu công nghệ cao đến công nghệ cao trong nông nghiệp

Điển hình như Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỉ đồng trên tổng diện tích 348 ha. Đối với Khu công nghệ cao TP.HCM có 104 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5.615 triệu USD. Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư 137,9 triệu USD.

“Trong năm qua, ngành nông nghiệp có những kết quả nổi bật trong lĩnh vực KHCN, điển hình như: Đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung; góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp... Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đã đưa KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường nói.

Để đảm bảo việc đưa công nghệ cao phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu của các ngành, theo thông tin từ Bộ KHCN, công tác xây dựng hạ tầng thông tin KHCN tiếp tục được chú trọng phát triển. Mạng VinaREN đã thực sự trở thành kênh liên lạc gắn kết cộng đồng các nhà khoa học cả trong và ngoài nước với việc triển khai nhiều ứng dụng tiên tiến trên nền tảng hạ tầng mạng.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN tiếp tục được hoàn thiện và đưa lên khai thác trực tuyến trên Cổng thông tin KHCN Vista và qua mạng VinaREN với 218.000 bài báo khoa học toàn văn; 23.500 kết quả nghiên cứu đã được số hóa, với thông tin về các nhiệm vụ KHCN đang thực hiện, nhiệm vụ KHCN đã kết thúc, kết quả thực hiện và kết quả ứng dụng; 15.000 công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm, dịch vụ và sản phẩm.

Năm 2016 đánh dấu sự phát triển vượt bậc về nguồn tin KHCN nước ngoài, với việc bổ sung tập trung cơ sở dữ liệu ScienceDirect cho các tổ chức KHCN cấp quốc gia, cho phép trên 150.000 cán bộ nghiên cứu, giảng viên và sinh viên được tiếp cận và sử dụng nguồn tin quý báu này với trên 2.500 tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng có mặt trong mọi lĩnh vực - Ảnh: Internet

Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tạo điều kiện cho cạnh tranh lành mạnh 

Theo báo cáo của Bộ KHCN, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành có đến 9.500 tiêu chuẩn Việt Nam. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong năm qua đã giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực, chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất cho việc tuân thủ các quy tắc, quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu. 650 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) được ban hành là công cụ, phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho con người…

Các hoạt động đo lường đã tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sản xuất, kinh doanh nói riêng. Cụ thể, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng như: xăng dầu, trang sức mỹ nghệ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…

Ngoài ra, các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng được rà soát, đề xuất sửa đổi để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh…

 

Theo Thu Anh/motthegioi.vn