3 niềm vui ở một xã nghèo
- Thứ sáu - 02/02/2018 01:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch UBND xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ, TPHCM) Nguyễn Văn Nam cùng đi với chúng tôi về ấp An Bình, nơi xã đang tập trung hoàn thành 3 căn nhà tình thương tặng hộ nghèo để bà con kịp đón tết. Vừa đi, anh vừa kể: “Xã An Thới Đông mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, còn nghèo nhưng tết này bà con cũng rất phấn khởi”.
Chị Nguyễn Thị Thấy xúc động đứng trước căn nhà đang xây dựng, đã lợp mái và xong phần thô, chỉ còn cán nền, gắn cửa, chia sẻ: “Tôi ở đây với thằng út, có 3 con đã lớn, làm ăn xa”. Anh cán bộ xã cho biết, trước đây chị Thấy đi làm thuê làm mướn, từ khi chị bị tai biến, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Con trai út của chị chừng hơn 20 tuổi, ai kêu gì làm nấy, chủ yếu làm phụ hồ, chỉ kiếm được chút tiền nuôi mẹ. Hai mẹ con sống trong căn chòi rách nát.
“Nhà tôi đang được xây lại, là nhà tình thương do xã xây giúp. Tết này mẹ con tôi vui lắm”, chị nói với giọng nghẹn lại vì cảm động nhưng vẻ mặt rạng lên niềm vui của một người cả đời mới có được căn nhà tươm tất. Đối diện nhà chị Thấy là nhà bà Nguyễn Thị Nghi, năm nay đã 70 tuổi. Đó cũng là nhà tình thương đang được xây dựng gần xong.
Bà Nghi tâm sự: “Nhà cũ xiêu vẹo lắm, tường nứt hết, trời mưa dột khắp nhà. Được xã giúp xây nhà tình thương, tôi vui lắm, sống đến 70 tuổi rồi, mới có được căn nhà đàng hoàng như vầy”.
Cách đó không xa, cũng ở ấp An Bình, có một căn nhà tình thương đã được xây xong từ hôm 20-1, là nhà của anh Võ Thành Trắng. Mới 55 tuổi nhưng trông anh già, nước da sạm đen.
Anh ngồi nhìn vào chiếc bàn thờ mới kê giữa nhà, chậm rãi nói: “Mơ ước dữ lắm, nay được vậy, tôi rất mừng. Con trai tôi làm công nhân, vợ bệnh, tôi làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh. Căn nhà cũ vừa bị mối mọt, vừa dột nát. Bà con thương gia đình tôi, bình xét để xã giúp cất nhà tình thương. An cư rồi, không lo mưa nắng nữa, chỉ còn gắng sức đi làm kiếm sống”.
Trong dịp tết năm nay, ở xã An Thới Đông có hộ anh Trắng và 11 hộ nghèo khác được xã giúp xây nhà tình thương từ nguồn kinh phí do Tổng công ty Điện lực TPHCM tài trợ.
Đường mới, xuồng mới
Lối vào ấp Rạch Lá nhỏ và hẹp nhưng dễ đi, nhờ có con lộ mới tráng bê tông. Anh chủ tịch xã cho biết đây là đường liên tổ 1 và 2, dài 300m, chi phí hơn 200 triệu đồng do Tổng công ty Điện lực TPHCM tài trợ, còn công cán thì bà con góp sức.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương đã sống ở đây mấy chục năm, cho biết: “Con lộ này vốn là bờ đắp, mùa mưa trơn trượt, tội nghiệp nhất là các cháu nhỏ đi học về gặp mưa, người nhà phải ra giúp chứ không thể nào tự đi được. Hôm thi công con lộ vui lắm, bà con cùng xúm vô phụ, làm xong cũng có liên hoan hẳn hoi mừng lộ mới. Cảm ơn chính quyền nhiều lắm”.
Chị Thu Thủy (người dân cùng tổ) phấn khởi cho biết hôm có con lộ mới, đèn đường cũng được gắn, giờ xe máy, xe đạp chạy bon bon, không lo lắng đêm hôm hay trời mưa nữa. Không riêng bà con ấp Rạch Lá, bà con ấp An Bình cũng đang rất vui vì có đường mới. Anh Nguyễn Khánh Hưng, Trưởng ấp An Bình, dẫn chúng tôi lòng vòng qua mấy con đường nội ấp để thấy đường đã được tráng bê tông. Anh nói: “Bà con hiến đất mở đường, tráng bê tông hết rồi. Năm nay đường sá đã ổn”.
Lo xây nhà tình thương, làm đường trong ấp, xã còn lo cả “cần câu” cho người dân nghèo. Hộ dân nghèo được nhận xuồng composite đầu tiên ở xã là vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạo - Lê Thị Hiếu ở ấp An Bình. Chiếc xuồng mới toanh, máy 6,5 mã lực vừa được giao, còn để ngoài sân, chờ nước lớn sẽ hạ thủy. Anh Mạo một thời “quậy tưng trời”, sau chí thú làm ăn nhưng ngặt thiếu vốn, gia đình khó khăn. Năm ngoái anh được xã giúp cất nhà tình thương, vợ chồng mừng lắm, ôm chiếc xuồng gỗ cũ kỹ cần mẫn đi thả lưới kiếm ít tôm cá nuôi con. Ấy vậy mà cô con gái giờ đã vào được Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo.
Chị Hiếu hân hoan kể: “Xuồng cũ mục quá rồi, có xuồng mới tụi em khỏe lắm, nước ròng, nước ngược không phải chèo mỏi tay, thả lưới nhanh hơn, khỏe hơn, nên hy vọng thu nhập sẽ khá hơn”. Được biết, còn 19 chiếc xuồng nữa sẽ được tặng các hộ nghèo trong xã, để giúp bà con có phương tiện kiếm sống.
Tổng kinh phí thực hiện các công trình dân sinh nêu trên là 1,3 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của 7.000 cán bộ, nhân viên ngành điện lực TPHCM, đây là món quà tết ý nghĩa và thiết thực, giúp bà con xã An Thới Đông.
Theo Thư Lê/sggp.org.vn