30 doanh nghiệp đầu tàu tham gia nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp
- Thứ ba - 30/06/2015 10:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại Hội nghị “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn” diễn ra hôm 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra đề xuất thành lập Câu lạc bộ Các nhà đầu tư vào nông nghiệp.
Câu lạc bộ này được “nâng cấp” từ Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn được Bộ lập ra đầu năm nay. Về thực chất, đây là một hình thức đối tác công - tư hoàn toàn mới ở Việt Nam, bao gồm một số lãnh đạo cục, vụ của Bộ NN&PTNT và gần 30 doanh nghiệp “đầu tàu” đã và đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp.
Hoạt động của nhóm được kết nối chặt chẽ với 8 tỉnh được Bộ NN&PTNT lựa chọn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gồm: Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Quảng Ninh.
Trước đó, ngày 17/4, Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đứng đầu. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để kết nối công - tư trong lĩnh vực này.
Trong số gần 30 doanh nghiệp đầu tàu tham gia nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, có rất nhiều tên tuổi lớn như Vinaseed, Dabaco, T&T, Hòa Phát, Trung Thành, TH true MILK, VinaMit, Trung Nguyên, Vingroup, Viettel, FPT, Vĩnh Hoàn, Thủy sản Minh Phú…
Bộ NN&PTNT kỳ vọng, 8 tỉnh tiên phong và gần 30 doanh nghiệp trên sẽ là lực lượng “bộ đội chủ lực”, tạo sự đột phá trong đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư vào nông nghiệp.
Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 và đang bước vào giai đoạn triển khai quyết liệt. Trọng tâm của đề án là hướng vào lực lượng doanh nghiệp để nhằm thay đổi cơ cấu và phương thức sản xuất của toàn ngành.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), đơn vị được giao làm đầu mối Nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, không thể chỉ dựa vào nông dân làm vai trò chủ đạo như trước đây, mà phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Bởi, chỉ có doanh nghiệp mới giải quyết được 3 điểm nghẽn lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay là thị trường, vốn và áp dụng khoa học - công nghệ.
“Doanh nghiệp sẽ nắm được tín hiệu thị trường tốt nhất, từ đó quay về kết nối với nông dân. Cũng chỉ có doanh nghiệp mới đủ năng lực về vốn và áp dụng khoc học - công nghệ hiện đại”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Với mong muốn thành lập Câu lạc bộ Các nhà đầu tư nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ hình thành một đội ngũ doanh nghiệp dân tộc tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn bó chặt chẽ với người nông dân và có đủ sức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng thu hút vốn đầu tư để tái cơ cấu toàn diện. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực có nhiều lợi thế và tiềm năng ở Việt Nam. Tín hiệu vui là nhiều tập đoàn hàng đầu trong nước đang chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, điều làm doanh nghiệp lo lắng khi đầu tư vào lĩnh vực này là khó tiếp cận đất đai, cũng như những rào cản về thủ tục hành chính, vướng mắc về thuế…
Nhóm thu hút đầu tư vào nông nghiệp ra đời chính là để giải tỏa tức thời các vướng mắc này.
Đơn cử, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn có ý định đầu tư 1 tỷ USD để thực hiện dự án hiện đại hóa sản xuất giống tôm, cá rô phi thuần chủng. Để làm được điều này, Minh Phú cần một diện tích đất rất lớn và phải liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất, song lại gặp vướng mắc tại các địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau một cuộc họp với Nhóm thu hút đầu tư vào nông nghiệp đầu năm nay, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lắng nghe và chỉ đạo, đến nay, dự án của Minh Phú đã được triển khai khá suôn sẻ.
Một ví dụ khác, Tập đoàn Vingroup khi muốn đầu tư vào rau sạch, Bộ NN&PTNT cũng đứng ra kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc để triển khai dự án trồng rau trị giá 700 tỷ đồng…
Không chỉ xử lý những vấn đề thuộc phạm vi Bộ NN&PTNT quản lý, Nhóm công tác cũng dễ dàng kết nối với các bộ, ngành liên quan như Công thương, Tài chính… để xử lý các vướng mắc về thuế, xuất nhập khẩu… của doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, hiện nay, số doanh nghiệp nông nghiệp của cả nước chỉ mới chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp. Trong số đó, có tới 90% là doanh nghiệp nhỏ. Với cách gọi vốn và trợ giúp doanh nghiệp mới, hy vọng một cuộc cách mạng trong gọi vốn đầu tư tư nhân vào nông nghiệp sẽ được châm ngòi.