4 góc nhìn Thủy sản Việt Nam 2012
- Thứ hai - 21/01/2013 00:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Góc nhìn về vốn
Năm 2012, ngân hàng thực hiện chính sách siết chặt tín dụng cộng với lãi suất không hạ đã khiến cả người nuôi và doanh nghiệp “đói” vốn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù lãi suất cho vay đã giảm còn 14,5% từ đầu năm 2012, nhưng với mức lãi suất này thì gần như không một doanh nghiệp nào dám vay khi bối cảnh thị trường xuất khẩu ảm đạm, lợi nhuận có được chỉ đủ trả lãi suất mà không có tích lũy thặng dư cho phát triển. Còn lãi suất hỗ trợ 11% thì doanh nghiệp không tiếp cận được. Điều này khiến thủy sản, đặc biệt là con tôm vốn đã và đang bị cạnh tranh gay gắt, đuối sức trong cuộc đua tại các thị trường nhập khẩu. Đơn cử, tại Thái Lan hay Ấn Độ, doanh nghiệp chỉ phải chịu lãi suất 3%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vay ưu đãi cũng là 11%, gấp gần 4 lần. Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất của họ thấp hơn nên có thể hạ giá bán mà doanh nghiệp Việt Nam “đua” không được.
Cá tra cũng khó khăn tương tự. Sau thời gian dài thua lỗ vì giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, nông dân cạn vốn, hàng loạt ao nuôi bị “treo”. Trong khi đó theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã cho vay đối với hoạt động nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản khu vực ĐBSCL đạt trên 38.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An, trong tổng số vốn 38.000 tỷ đồng này, người nuôi cá thực sự chỉ vay được khoảng 30%. Vậy, 70% còn lại đang nằm ở đâu?
Và cũng theo ông Hải, chưa năm nào người nuôi cá phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như năm nay, giá bán cá không đủ bù chi vì các nguồn vốn vay ngắn hạn lãi suất 13%. Nên chăng, cần một cơ chế mới để cứu con cá tra ĐBSCL!
2012 - năm khó khăn song ngành tôm cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch - Ảnh: Phương Chăm
Góc nhìn về thị trường
Suy giảm, rào cản là những gì mà thủy sản Việt Nam phải đối mặt tại các thị trường nhập khẩu trong năm 2012. Thời điểm cuối năm thường là “mùa” xuất khẩu thủy sản, nhưng năm nay, nhu cầu tại hầu khắp các thị trường đều chững, thậm chí là giảm. Tại EU, quý IV/2012, kim ngạch xuất khẩu giảm 12 - 15% so với cùng kỳ năm 2011. Thị trường Mỹ trong quý IV chỉ đạt giá trị khoảng 330 triệu USD, giảm so với cùng kỳ năm 2011. Và kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại Nhật Bản chỉ khoảng 280 triệu USD, giảm 1,5 - 2%.
Không những suy giảm mà thủy sản Việt Nam còn vướng nhiều rào cản. Từ ngày 18/5/2012, nhà chức trách Nhật Bản quyết định kiểm tra 30% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức giới hạn Ethoxyquin cho phép là 0,01 ppm (10 ppb), đến tháng 9/2012, tần suất tăng lên 100%. Đây là mức giới hạn ngặt nghèo, bởi ngay tại EU quy định mức dư lượng tối đa trong thủy sản là 0,1 ppm. Quyết định này đã khiến xuất khẩu tôm sang Nhật Bản bắt đầu giảm sau 5 tháng tăng trưởng mạnh (từ 23 - 52,5%). Tháng 7/2012, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2011; tháng 8 giảm 16,6%; tháng 9 giảm 9,2%; tháng 10 giảm 15,8% và tháng 11 giảm 5,3%. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27,7% giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Do vậy, nếu không có giải pháp tháo gỡ, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm.
Chưa hết, ngày 28/12/2012, Liên minh các nhà chế biến tôm của Mỹ đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) yêu cầu điều tra áp thuế chống trợ cấp của 6 nước, trong đó có Việt Nam. Và một khi điều này được thực thi thì tôm Việt Nam sẽ phải chịu thêm một khoản thuế trợ giá bên cạnh khoản thuế chống bán phá giá mà Mỹ đang áp lên tôm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này từ năm 2004.
Góc nhìn dịch bệnh
Năm 2012, nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh trên diện rộng. Tổng diện tích tôm bị thiệt hại do trên 100.776 ha, tăng 3,2% so với năm 2011. Theo Tổng cục Thủy sản, chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AH PNS) chiếm 45,7% diện tích thiệt hại và xảy ra chủ yếu trên diện tích nuôi tôm công nghiệp, còn lại là do bệnh đốm trắng, đầu vàng... Để kịp thời giải cứu ngành tôm, nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ được tổ chức, các cấp ngành từ trung ương đến địa phương và rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đã vào cuộc trong thời gian dài. Tuy nhiên, nguyên nhân gây tôm chết nhiều và chết sớm đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Điều này không chỉ khiến xuất khẩu gặp khó vì thiếu nguyên liệu sản xuất, người nuôi hoang mang, mà còn là trở ngại lớn trong quá trình phục hồi sản xuất. Và nuôi tôm đang trở thành nghề nhiều may rủi.
Mặt khác, dịch bệnh khiến chi phí sản xuất tôm tăng 15 - 25%. Trong khi tỷ lệ thành công trong sản xuất tôm của Việt Nam chỉ đạt 30 - 40% (Thái Lan là 70%), đẩy giá thành tôm nguyên liệu cao ảnh hưởng lớn tới giá thành phẩm, khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh được về giá so với nhiều nhà cung cấp khác. Hiện, giá tôm Việt Nam đang cao hơn 15 - 25% so với giá tôm của Indonesia, Ấn Độ...
Góc nhìn về giá
Sau khi chạm mốc đỉnh trong năm khoảng 26.000 - 27.000 đồng/kg thời điểm đầu tháng 4, giá cá tra liên tục ở mức thấp, hiện chỉ là 19.500 - 20.500 đồng/kg, nông dân lỗ 2.500 - 3.500 đồng/kg, tương đương 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
Năm 2012, người nuôi tôm thật sự điêu đứng không chỉ vì dịch bệnh hoành hành, mà còn vì biến động mạnh của giá cả. Khi giá tôm nguyên liệu chỉ ngang bằng giá thành sản xuất hoặc cao hơn không đáng kể, có thời điểm, giảm đến 50% so với cao điểm năm 2011. Lợi nhuận của mặt hàng này vì thế cũng không còn hấp dẫn như trước. Cụ thể thời điểm tháng 8/2012, tôm loại 20 con/kg chỉ còn 180.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 120.000 đồng/kg; còn tôm thẻ chân trắng phổ biến ở mức 75.000 - 85.000 đồng/kg, loại 100 con/kg. Thấp là vậy, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà mua.
Giải thích cho tình trạng này, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cho rằng do tình hình xuất khẩu tại các thị trường ảm đạm, giá không cao nên buộc họ phải hạ giá thu mua nguyên liệu. Tuy nhiên, điều này không thuyết phục, khi cùng trong thời điểm đó, lượng tôm nguyên liệu được nhập khẩu về khá lớn, ước tính mỗi ngày, tôm sú và tôm thẻ chân trắng của Thái Lan nhập vào Việt Nam từ 300 - 400 tấn, với giá rẻ hơn tôm nguyên liệu Việt Nam khoảng 40%.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, có những lúc giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam cao hơn tôm Ấn Độ từ 30 - 40%; gần 30% với tôm Ecuador; 15% tôm Indonesia và 10% tôm Thái Lan. Cộng với những yếu tố khác, khiến chi phí chế biến tôm thành phẩm của doanh nghiệp tăng mạnh. Năm 2012, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam thường cao hơn từ 15 - 20% so với tôm cùng loại ở Ấn Độ, Indonesia...
Tại sao giá tôm nuôi tại Việt Nam cao như vậy, trong khi người nuôi tôm lại chưa thể giàu trên đầm tôm, thậm chí lỗ nặng? Câu hỏi này đã đưa ra từ lâu nhưng vẫn chưa được trả lời thấu đáo!
>> Nhìn toàn cảnh ngành thủy sản 2012, nhiều người đánh giá là "thất bại", nhưng xa hơn, "thất bại" này có lẽ rất cần thiết sau những phát triển quá "nóng". Và trước mắt là thực hiện tái cơ cấu ngành, theo hướng tập trung nuôi trồng, chế biến theo chuỗi, đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm... |