5 năm nông thôn mới Kiên Giang: Thành quả bước đầu
- Thứ hai - 11/01/2016 22:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tân Hiệp A, xã đầu tiên của Kiên Giang được công nhận đạt chuẩn NTM, tạo động lực cho phong trào xây dựng NTM của tỉnh
Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu 5 năm tiếp theo có thêm 41 xã và 3 huyện đạt chuẩn NTM.
Thực hiện chủ trương xây dựng NTM theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020.
Ngay từ đầu, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền và đã triển khai được 5.375 cuộc tuyên truyền, vận động về chương trình NTM, có 264.726 lượt người tham dự. Qua đó, giúp cho người dân hiểu được chủ trương, mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó nhiệt tình tham gia ủng hộ. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” gắn với “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Phát động thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
Trong kế hoạch quy định nội dung, tiêu chuẩn, thang điểm thi đua dành cho tập thể cấp huyện, xã và tiêu chuẩn thành tích thi đua của cá nhân, tập thể... Hưởng ứng phong trào thi đua, các cấp, các ngành, đoàn thể đã triển khai Lễ phát động các phong trào và tổ chức lễ ra quân xây dựng NTM ở các địa phương...
Quá trình thực hiện đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào đạt nhiều kết quả. Nổi bật là phát huy quyền dân chủ, người dân thực sự là chủ thể đóng góp tiền, hiến đất, ngày công lao động để thực hiện 19 tiêu chí NTM.
Các ngành, các địa phương quan tâm huy động lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, tập trung xây dựng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, điện cho sản xuất, trường học, y tế... Đồng thời đẩy mạnh phổ biến, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; củng cố phát triển các hình thức sản xuất tập thể nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người sản xuất.
Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã có 19/118 xã và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn NTM
Mặt trận và đoàn thể các cấp tổ chức nhiều phong trào thi đua góp phần xây dựng NTM có sức lan tỏa. Điển hình như phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, vận động thành lập hợp tác xã kiểu mới của Hội Nông dân; phong trào "5 không 3 sạch" của Hội Phụ nữ; phong trào thanh niên tình nguyện, xây dựng đường giao thông nông thôn của Đoàn thanh niên; phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, xây dựng nhà đồng đội của Hội Cựu Chiến binh...
Ông Bùi Trung Phú, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Kiên Giang cho biết, qua các đợt phát động phong trào, đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của người dân. Cụ thể trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình giai đoạn 2010-2015 đạt 17.622,8 tỷ đồng, trong đó vốn huy động đạt 7.926 tỷ đồng và vốn tín dụng là 9.696,8 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho giao thông, thủy lợi, trường học và tập trung cho 35 xã điểm xây dựng NTM.
Nhiều công trình cầu, đường, trường, trạm được xây dựng mới góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế ở từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.
Kết quả qua 5 năm triển khai chương trình, bình quân toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã, có 19/118 xã và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn NTM. Mức tăng bình quân là 8 tiêu chí/xã so với trước khi triển khai chương trình, riêng 35 xã điểm giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã, tăng 10,3 tiêu chí.
Đặc biệt đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân trong khu vực nông thôn năm 2015 ước đạt 29,5 triệu đồng/người (năm 2010 là 12,6 triệu đồng) tăng 2,34 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,5%, đến cuối năm 2015 còn 2,73% (năm 2010 là 8,84%).
Cơ sở hạ tầng ở các xã NTM được đầu tư khá đồng bộ
Điểm sáng trong xây dựng NTM ở Kiên Giang là đã hình thành và phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa lớn theo hướng chuyên canh, thâm canh... Điển hình như vùng lúa chất lượng cao 120.000 ha, vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, vùng tôm - lúa... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã giúp cho nông dân vay vốn mua máy cơ giới phục vụ sản xuất, có 60% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, 60% sản lượng lúa sấy khô bằng máy, 100% diện tích lúa bơm tưới bằng máy, trong đó bơm điện khoảng 20%... góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Kinh tế hợp tác ngày càng phát triển và lớn mạnh. Giai đoạn 2010-2015 tỉnh có 104 HTX nông nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số HTX lên 246, với 60.831 thành viên và 3.621 tổ hợp tác với 66.536 thành viên, trong đó có 186 HTX nông nghiệp, 13 HTX nuôi trồng thủy sản, 5 HTX tiểu thủ công nghiệp với 18.101 thành viên tham gia, tổng số vốn điều lệ 74,5 tỷ đồng, với tổng diện tích sản xuất là 39.030 ha.
Có 2.314 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng số thành viên 50.554 người, vốn góp là 8,7 tỷ đồng với 71.627 ha đất canh tác.
Theo: nongnghiep.vn