5 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư T.Ư Đảng: Thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 61 –KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 -2020. Đồng chí Hà Thị Khiết – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì hội nghị.
Việc thực hiện Kết luận 61 sau 5 năm đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong ảnh: Nông dân Đà Nẵng thuê đất vùng ven đô thị để trồng hoa, phát triển kinh tế. Ảnh: N.A.T

Những nghĩa cử đẹp

Báo cáo do ông Nguyễn Quốc Cường trình bày cho biết, sau 5 năm thực hiện Kết luận 61, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hội nông dân đạt gần 2.000 tỷ đồng, qua đó đã giúp trên 380.000 lượt hộ nông dân tham gia các nhóm hộ trong các mô hình sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn quay vòng đạt trên 5.200 tỷ đồng. Nguồn Quỹ này cũng đã xây dựng được hơn 2.800 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiệu thụ sản phẩm.

Đến đầu năm 2015, đã có 549.891 hộ nông dân được vay vốn 19.461 tỷ đồng theo chương trình ký kết giữa Hội Nông dân với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. 2,2 triệu hộ khác cũng được vay vốn theo chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 41.803 tỷ đồng. Những nguồn vay này đã giúp nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. 

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội cũng đã ký kết, phối hợp với một số bộ, ngành ở Trung ương và các sở, ngành địa phương, ngân hàng nhằm cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thông tin và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông dân cả nước đã hiến gần 24 triệu m2đất, đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, hơn 29 triệu ngày công để làm mới và sửa chữa trên 1 triệu km đường giao thông nông thôn và 1,4 triệu km kênh mương nội đồng, hàng ngàn nhà văn hóa thôn, ấp, bản. Đến nay, cả nước đã có 864 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm bình quân 2%/năm, thu nhập bình quân của nông dân tăng 2 lần so với năm 2010.

ĐÀ NẴNG CHƯA XÂY DỰNG TRUNG TÂM DẠY NGHỀ VÀ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân TP Đà Nẵng đã thi đua vận động 5 tỷ đồng, hơn 20.000 ngày công lao động, hơn 672 tấn lương thực, thực phẩm, cây con giống giúp hơn 5.000 hộ nông dân nghèo, khó khăn làm ăn, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, trong phần nêu hạn chế, khuyết điểm sau 5 năm thực hiện Kết luận 61, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cho biết hiện tại vẫn còn 11 tỉnh thành phố chưa bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, trong đó có Đà Nẵng.

Phải xây dựng người nông dân kiểu mới

Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Kết luận 61 của Ban Bí thư TƯ Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nông dân, khẳng định Hội Nông dân Việt Nam thực sự là trung tâm và là nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tính đoàn kết trong nông dân và tổ chức Hội ngày càng được củng cố vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đời sống người nông dân, vùng nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, đại biểu các tỉnh thành tham gia hội nghị cho rằng, việc thực hiện Kết luận số 61 sau 5 năm vẫn còn nhiều hạn chế. Nổi bật là việc tuyên truyền về đề án chưa sâu rộng dẫn đến việc Quỹ Hỗ trợ nông dân chưa hiệu quả tại một số địa phương.

Đến nay còn 9 tỉnh thành chưa cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ này, 11 địa phương khác chưa xây dựng được Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Cạnh đó, còn nhiều nội dung thuộc Đề án 61 chậm triển khai như “Xây dựng mẫu người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, “Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”... Tại nhiều địa phương, công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với các cơ quan, ban ngành còn gặp khó khăn, lúng túng. Đặc biệt, đời sống của cư dân nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền có xu hướng gia tăng, kết quả xóa đói, giảm nghèo ở nhiều nơi chưa thực sự bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, Kết luận 61 của Ban Bí thư đã đi vào thực tiễn toàn diện từ Trung ương đến địa phương, góp phần thiết thực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phó Thủ tướng khẳng định: “Nông dân phải là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, các cấp hội, chính quyền địa phương phải làm sao để người nông dân trở thành người nông dân kiểu mới, không chịu đói nghèo, tận dụng các điều kiện để làm giàu chính đáng”.

Bảo Uyên
Theo cadn.com