53 doanh nghiệp “đầu tàu” tái cơ cấu nông nghiệp được tôn vinh

Trong số các doanh nghiệp được tôn vinh có các tên tuổi lớn như: Tập đoàn Lộc trời, Tập đoàn cao su, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, sữa Ba Vì, Vineco, Dabaco, C.P, thủy sản Vĩnh Hoàn, thủy sản Đắc Lộc, Tập đoàn Sao Mai…
Tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy nhanh  một phần nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp đầu tàu

Trong 2 ngày (9-10/11/2018), Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Nhân dịp này, Bộ cũng tổ chức Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp với công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cụ thể, trao tặng Danh hiệu “Doanh nghiệp vì Nhà nông” lần thứ cho II cho 53 doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có vai trò “đầu tàu” trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 5 năm qua.

Các doanh nghiệp được tôn vinh là: Tập đoàn Lộc trời, Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty cổ phần Giống cây trồng TW, Tập đoàn Cao su, Vineco, Đường Quảng Ngãi, Vinafor Gia Lai, Phân bón Bình Điền, Hóa chất Lâm Thao, Woodsland, Sữa Ba Vì, DaBaCo Việt Nam, Cargill Việt Nam, Thủy sản Minh Phú, Thủy sản Đắc Lộc, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, C.P Việt Nam, Thủy sản Vĩnh Hoàn, Tập đoàn Sao Mai, Sài Gòn Food, Chè Tân cương Hoàng Bình, Nafoods Group…

Cũng nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao tặng Bằng khen cho 20 Hợp tác xã và 20 nông dân/chủ trang trại tiêu biểu xuất sắc, đã có thành tích đóng góp trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và trao tặng Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ III cho 45 cá nhân, nhóm tác giả có sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc đã được khẳng định trong thực tiễn, góp phần tạo ra những thành quả về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chương trình trao giải sẽ diễn ra tối nay (9/11/2018) tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Bài học lớn rút ra trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các thành tố trong xã hội, từ trung ương đến địa phương; từ người dân đến doanh nghiệp, tổ hợp tác và từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo…. Chỉ khi cả xã hội chủ động, tích cực tham gia thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra mới trở thành hiện thực một cách có hiệu quả”.

Sau 5 năm tích cực triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong đề án.

Thùy Liên
https://baodautu.vn