7 vấn đề trọng tâm về chính sách an sinh xã hội

Ngày 19/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cần quan tâm, làm rõ các vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất là, Chính sách với người có công. Hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng hồ sơ giả, cán bộ ở cơ sở lợi dụng quyền hạn để trục lợi… Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu Bộ Lao động Thương binh & Xã hội khẩn trương, nghiên cứu đề xuất đề án cải cách chính sách với người có công, đánh giá toàn diện, đề xuất sửa đổi căn bản chính sách, đặc biệt quan tâm đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Người có công.

Thứ hai là, Công tác dạy nghề. Vấn đề này được quan tâm đầu tư với ngân sách rất lớn, nhưng so với kỳ vọng và yêu cầu phát triển trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cả nước có khoảng 25 triệu lao động nông nghiệp, chiếm hơn 55% số lao động cả nước, mỗi năm có gần 1 triệu người đến tuổi lao động.

Thứ ba là, Lao động, việc làm, tiền lương. Thủ tướng yêu cầu Bộ hết sức quan tâm tình trạng thất nghiệp dù tỉ lệ thất nghiệp hiện chỉ khoảng 4%, tình trạng thiếu việc làm, vấn đề việc làm cho sinh viên ra trường… Cần có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để cung cấp cho xã hội.  

Đồng thời, các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương rất cần sự nhất trí, đồng thuận của người dân để bảo đảm khả thi. Đề nghị Bộ nghiên cứu kỹ vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề liên quan tới quỹ bảo hiểm xã hội…

Thứ tư là, Tình trạng xâm hại thân thể trẻ em. Đây là vấn đề xã hội nhức nhối, liên quan tới luân thường đạo lý, vừa qua đã xảy ra ở nhiều địa phương như Vũng Tàu, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội), Vĩnh Long, Cà Mau… Đề nghị Bộ có nhiều giải pháp từ giáo dục cho tới ngăn ngừa, răn đe…  

Thứ năm là, Vấn đề quản lý các cơ sở cai nghiện. Việc quản lý Nhà nước với đối tượng nghiện ma túy là rất phức tạp.

Thứ sáu là, Vấn đề an toàn lao động. Theo thống kê của Cục An toàn lao động, năm 2016 cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm 862 người chết, hơn 1.900 người bị thương. Đề nghị Bộ có giải pháp kiềm chế tai nạn, tăng cường an toàn lao động.

Thứ bảy là, Hoạt động xuất khẩu lao động. Từ quản lý các công ty xuất khẩu lao động, các địa phương có người đi lao động, công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động đáp ứng yêu cầu của nước sở tại. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cần chú ý công tác thanh tra, kiểm tra các công ty, nắm bắt tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời bảo hộ, can thiệp, mở rộng thêm nhiều thị trường…

PV
http://tapchitaichinh.vn