8 tháng năm 2018: Doanh nghiệp chờ giải thể tăng đột biến

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có 41.660 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.
Có tới 41.660 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 8 tháng/2018

Trong 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 21.575 doanh nghiệp, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 41.660, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này là do từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về doanh nghiệp nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động. Sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 9.135 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng theo số liệu này, trong tháng 8, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.655 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 107.564 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và giảm 11,9% về số vốn đăng ký so với tháng 7/2018. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 8/2018 trên cả nước là 2.912 doanh nghiệp, giảm 2,0% so với tháng 7/2018.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có 87.448 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm là 2,56 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: 878.627 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 1,68 triệu tỷ đồng thông qua 28.672 lượt đăng ký tăng vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động.

8 tháng qua, có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017.

Hầu hết các tỉnh/thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh) đều trong tình trạng số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm hoặc chỉ tăng rất nhẹ trong khi lượng doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể tăng đáng kể.

Đây là dấu hiệu cho thấy, bối cảnh kinh tế mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho doanh nghiệp, thể hiện qua tính cạnh tranh, thanh lọc của thị trường đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Để sớm đạt được sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết những hạn chế nội tại về năng lực quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học – công nghệ và năng suất lao động- Cục Quản lý kinh doanh khuyến nghị.

Thu Phương/http://congthuong.vn