80% người dân sẵn sàng bỏ thêm tiền mua thực phẩm ngon, sạch

80% người dân sẵn sàng bỏ thêm tiền mua thực phẩm ngon, sạch
Qua khảo sát thực tế, người tiêu dùng Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng nông sản, thực phẩm và có đến 80% người dân sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhận định của ông Võ Mầu, đại diện Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, tại toạ đàm “Việt - Pháp về Văn hóa ẩm thực và An toàn vệ sinh thực phẩm” do Bộ Nông nghiệp Pháp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/11, Việt Nam vẫn chưa đảm bảo hoàn toàn chất lượng sản phẩm nông sản vì vậy mới hình thành một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm rau củ, quả nhập khẩu, do các sản phẩm này có những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.

 

Theo ông Mầu, tâm lý của người tiêu dùng luôn muốn thưởng thức các loại thực phẩm ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm vì vậy người tiêu dùng không ngại chi trả cao hơn 20% cho sản phẩm nhập khẩu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Người Việt Nam luôn có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn.

 

Bà Đinh Tường Lan, đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp phát triển quốc tế Pháp (CIRAD), cho biết người tiêu dùng Việt Nam dành khoảng 40% tổng thu nhập của họ cho chi tiêu cho thực phẩm. Qua khảo sát thực tế, người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng nông sản, thực phẩm và có đến 80% người dân sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Theo ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hành vi tiêu dùng thực phẩm ngày càng thay đổi thì sự chia sẻ, giao lưu giữa các nền ẩm thực rất quan trọng, trong đó có sự chia sẻ về niềm tin chất lượng sản phẩm. Vì vậy, tại buổi tọa đàm các nhà nghiên cứu, chuyên gia Pháp và Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ những thông tin về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm giữa hai nước.

 

“Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trước hết các nhà sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu phân phối. Với nhà quản lý, cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các Sở, ban ngành giữa Pháp và Việt Nam. Đồng thời, cần sự quan tâm của các nhà quản lý trong vấn đề đảm bảo chất lượng lương thực thực phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như xuất khẩu”, ông Bertrand Lortholary cho biết thêm.

 


 

Hoàng Tuyết/baotintuc.vn