Agribank nỗ lực cung ứng nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân
- Thứ ba - 06/08/2019 10:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát, trở thành một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước.
Trong tiến trình ấy, Agribank đã nỗ lực cung ứng nguồn vốn tín dụng cũng như các dịch vụ tiện ích ngân hàng cho khu vực kinh tế tư nhân.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và Nghị quyết 98 ngày 3/10/2017 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, Agribank đã có nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này, đặc biệt là tăng cường sự gắn kết trong chuỗi liên kết phát triển kinh tế tư nhân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank hiện là ngân hàng thương mại chủ lực trong triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP, NĐ 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-HĐTV-HSX ngày 31/7/2015, Quyết định số 1282/QĐ-HĐTV-HSX ngày 10/12/2018 về Quy chế cấp tín dụng phục vụ Chính sách nông nghiệp.
Cụ thể, Agribank đang thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP với dư nợ trên 1.600 tỷ đồng; thực hiện Quyết định 1050/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản với dư nợ gần 5.500 tỷ đồng; thực hiện Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp với dư nợ trên 3.600 tỷ đồng; cho vay tái canh cà phê với dư nợ trên 450 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nguồn vốn của Agribank đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng thu nhập cho khách hàng ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Trên khắp mọi miền đất nước, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực như các mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía đường (Thanh Hóa, Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…
Qua đó, Agribank đã góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính và tìm được chỗ đứng tại thị trường khu vực và thế giới. Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó đóng góp tích cực trong quá trình đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Anh Minh/chinhphu.vn