Agribank tung gói tín dụng “khủng” cho nông nghiệp sạch

Bắt đầu từ tháng 11/2016, Ngân hàng Agribank chính thức triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”, với vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng.

Dẫn đầu dòng tín dụng xanh

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến tháng 9/2016, toàn hệ thống ngân hàng đã rót hơn 900.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Trong đó, riêng Agribank đã cho vay lĩnh vực này trên 500.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% thị phần dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Là ngân hàng dẫn đầu cho vay nông nghiệp - nông thôn, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho hay, Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm...

.
.

Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh mở rộng thị trường trở thành bài toán sống còn và sự ra đời của hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Agribank đang hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giữ được thị trường tiêu dùng trong nước và có vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện tại, ngân hàng này đang đồng hành với Chương trình “Nông nghiệp sạch” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, phát sóng trên kênh VTV1 trong tháng 11/2016. Thông qua chương trình này, Agribank mong muốn góp phần nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam.

Một trong những hành động cụ thể, thiết thực của Agribank để thực hiện mục tiêu đó là chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”, với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng, bắt đầu từ ngày 1/11/2016.

Ông Tiết Văn Thành cho biết, đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình này là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn, với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank.

Không chỉ có vậy, Agribank còn cho phép vay tín chấp hoặc vay bảo đảm một phần, khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.

Agribank kỳ vọng, chương trình truyền hình thực tế “Nông nghiệp sạch - Con đường nông sản Việt” sẽ thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch đang dần được hình thành trên toàn quốc.

Cần tháo gỡ những nút thắt

Không chỉ mạnh tay chi nguồn vốn khủng nông nghiệp sạch, Agribank cũng đang là đầu tàu trong nhiều chương trình cho vay ưu đãi khác trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm 7 chính sách tín dụng và Chương trình Mục tiêu quốc gia Nông thôn mới.

Với vai trò chủ lực trong đầu tư, cho vay nông nghiệp - nông thôn, Agribank đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng đầu tư trong lĩnh vực này, thúc đẩy thị trường hàng hóa nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc này bước đầu hình thành được một số mô hình chuỗi liên kết giá trị 4 nhà - tiền để của một nền nông nghiệp bền vững.

Mặc dù vậy, đại diện Agribank cũng thừa nhận, hoạt động trong lĩnh vực có chi phí hoạt động cao, lãi suất cho vay thấp theo chính sách ưu đãi, nên đã phần nào ảnh hưởng đến năng lực tài chính, khả năng tăng vốn tự có từ lợi nhuận, chế độ tiền lương và thu nhập của cán bộ.

Ngoài ra, do nền nông nghiệp nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác thấp, các hình thức liên kết chưa phát triển, chưa hình thành được những chuỗi giá trị nông sản có khả năng cạnh tranh cao, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm…, nên tín dụng ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất quá chậm cũng ảnh hưởng đến quá trình giải ngân vốn vay do thiếu tài sản đảm bảo.

Để dòng vốn đổ vào nông nghiệp có hiệu quả, lãnh đạo Agribank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm bổ sung vốn điều lệ chưa được cấp đủ theo Quyết định 3000/QĐ-BTC ngày 13/12/2011 để hỗ trợ Agribank tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo các tỷ lệ an toàn, giới hạn cấp tín dụng khi mở rộng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, đặc biệt là cho vay “nông nghiệp sạch”. Sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên môn hóa đối với cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với lợi thế cạnh tranh và biến đổi khí hậu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để đảm bảo tính pháp lý đối với tài sản, tăng mức vay khi thế chấp ngân hàng.

Để hỗ trợ Agribank và các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, NHNN cũng cần sớm xây dựng chính sách tín dụng theo ngành, có cơ chế công bố và cảnh báo định kỳ để Agribank và các ngân hàng khác phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, có cơ chế chính sách tín dụng đặc thù đối với khách hàng, ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực thường xuyên phải chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh...

Trần Mạnh
http://baodautu.vn/