Ai là nhạc trưởng?

Liên kết là câu chuyện đã được nói nhiều trong ngành nông nghiệp, thực tế cũng có một số liên kết hiệu quả như ngành sữa chế biến, phần nào đó với ngành mía đường, nhưng đúng là chưa có nhiều liên kết hiệu quả như mong muốn.

Trước đây chỉ nói liên kết 4 nhà: Nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước và nhà nông, sau đó có ý kiến là thêm nhà băng (ngân hàng) và gần đây lại có ý nói cần có thêm nhà báo để tham gia hỗ trợ thông tin. Nhưng dù là bao nhiêu nhà thì quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp và nông dân hay chủ trang trại và doanh nghiệp không thể liên kết từng hộ nhỏ lẻ mà phải là tổ liên kết hay hợp tác xã.

Tuy nhiên, không ít người đặt vấn đề, ai là nhạc trưởng trong việc liên kết này? Lúc đầu, có người nói nhà nước là nhạc trưởng, nhưng qua thời gian, nhà nước là nơi đưa ra chủ trương, chính sách (phù hợp), doanh nghiệp và nông dân hay chủ trang trại là 2 đối tác chính cùng thực hiện. Có nơi, có ngành như ngành chế biến sữa, doanh nghiệp là nhân tố chính liên kết người nuôi tổ chức sản xuất và ngành này có bước phát triển khá bền vững, mặc dù không phải lúc nào cả 2 bên cũng hài lòng. Nhưng mô hình liên kết nuôi bò và chế biến sữa không thể áp cho tất cả. Kỹ sư Vũ Tiết Sơn, cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, ở nước ngoài, nhạc trưởng chính là các hiệp hội ngành nghề. Điều này thể hiện rõ ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. Doanh nghiệp ngành nghề nào đó muốn xuất khẩu phải qua hiệp hội như mặt hàng cá hồi của Na Uy hay con bò ở Úc. Nên chăng giao cho hiệp hội thêm một số quyền khi hiệp hội làm nhạc trưởng.

Theo Tổng giám đốc một công ty cổ phần, vấn đề đặt ra là năng lực và cái tâm của lãnh đạo hiệp hội mới có thể làm tốt vai trò này. Lãnh đạo hiệp hội phải có tầm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, có đủ năng lực để theo nhịp thở của ngành hàng trước những diễn biến thị trường để tư vấn cho nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp.
 

Theo: sggp.org.vn