Ấm no nhờ Chương trình 135

Ấm no nhờ Chương trình 135
Với chủ trương xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II). Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hiệu quả đầu tư các hợp phần, dự án là động lực phát triển kinh tế - xã hội, mang lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Quan tâm

Chương trình (CT) 135 giai đoạn II được triển khai trên địa bàn 50 tỉnh, 354 huyện với tổng số 1.946 xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.274 thôn, bản ĐBKK của 1.140 xã khu vực II.

Những cây cầu nối nhịp bờ vui ở Mường Nhé (Điện Biên).


Theo số liệu điều tra, khi bắt đầu triển khai CT 135 giai đoạn II (đầu năm 2006), tỷ lệ đói nghèo tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi toàn quốc bình quân là 47%; tỷ lệ hộ nghèo thuộc các thôn, bản bình quân là trên 80%; đặc biệt có tới 61 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh còn thiếu và yếu kém, trình độ sản xuất còn manh mún, phương thức lạc hậu. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhiều hộ thiếu ăn nhiều tháng trong năm.

Hỗ trợ gà giống cho bà con các dân tộc ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).


Mục tiêu của CT 135 khi kết thúc giai đoạn II là cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 30%; trên 70% số hộ đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm. Chương trình có 4 nhiệm vụ chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn ĐBKK. Đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng. Hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật...

Hỗ trợ pháp lý cho đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lào Cai.


Ngay sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các địa phương khẩn trương triển khai thi công các công trình phúc lợi; cấp phát kinh phí hỗ trợ sản xuất. Điển hình, tỉnh Điện Biên có 72 xã và 29 bản ĐBKK của xã khu vực II với 55.820 hộ, 304.581 nhân khẩu được hưởng lợi từ CT 135 giai đoạn II. Trong đó, 53.590 hộ, 292.400 khẩu là DTTS; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50,83%. Bằng nguồn vốn 334,556 tỷ đồng Trung ương phân bổ, tỉnh đầu tư xây dựng 269 công trình tại các xã ĐBKK; hỗ trợ sản xuất cho trên 42.000 hộ dân (gồm hỗ trợ giống lúa, đậu tương, cây ăn quả, cây công nghiệp; trâu, cá, phân bón và mua sắm thiết bị máy móc, công cụ chế biến bảo quản); mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 8.000 lượt người. Đồng bào tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Xây dựng trường lớp kiên cố cho trẻ đến trường ở Thanh Hóa.


Mặc dù chưa một lần chạm tay vào máy vi tính, nhưng khi thấy con gái khoe tra được điểm thi đại học, tìm được thông tin về giá sách vở trên mạng Internet, ông Lò Văn Mấng, nông dân bản Ló, xã Thanh Luông (tỉnh Điện Biên) ngỡ ngàng thốt lên: “Tài thật, cái gì In - tơ - nét nó cũng biết! Có công nghệ thông tin như thế này, nông dân không phải đi xa mà vẫn có thể học tập kiến thức phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Nông thôn thực sự đổi mới, Thanh Luông đã thoát khỏi diện xã ĐBKK rồi!”.


Bà Lèng Thị Páy, xã Mường Nhé kể rằng, cách đây chừng chục năm thôi, đường giao thông vào huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ) chủ yếu là đường đất, đường dân sinh trong rừng. Việc đi lại của đồng bào chủ yếu là cuốc bộ. Chẳng hạn muốn đến A Pa Chải chỉ cách duy nhất là bằng “đôi chân vạn dặm”, băng qua những cánh rừng "mây trên đầu và suối dưới chân", cứ đi, cứ đi khoảng nửa tháng thì đến nơi. Vậy mà, ngày nay con đường rộng thênh thang đã chạy suốt từ thành phố lên đến A Pa Chải - bản cuối cùng ở cực Tây Tổ quốc.


Ở giai đoạn II của Chương tình 135, tỉnh Hà Giang cũng đã có hàng trăm nghìn hộ DTTS được hưởng lợi. Tỉnh ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, hệ thống điện lưới, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt; hỗ trợ sản xuất, tăng vụ, ứng dụng thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, tỉnh đã có bản đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, khoảng cách giàu nghèo giữa vùng miền núi cao và vùng thấp từng bước được rút ngắn, đời sống đồng bào được nâng lên, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Đầu tư cơ sở hạ tầng y tế tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk).


Tỉnh Yên Bái có 65 xã và 157 thôn, bản ĐBKK thuộc 45 xã thuộc 8 huyện, thị được thụ hưởng chương trình. Tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình xây dựng do người dân quyết định, chọn lựa. Tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch CT 135, quyết liệt chỉ đạo các ban quản lý, nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp phần dự án; yêu cầu các huyện đánh giá trung thực, khách quan những mặt được và các hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện CT 135 giai đoạn II làm bài học cho các chương trình dự án khác.

Hỗ trợ làm đường giao thông liên thôn ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).


Giống như Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Trà Vinh, Anh Giang, Sóc Trăng... là những địa bàn thụ hưởng CT 135, nơi có xuất phát điểm nền kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều công trình phúc lợi còn tạm bợ, giao thông cách trở, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Nhìn lại những số liệu rà soát về sự khởi đầu đầy khó khăn, thách thức khi triển khai CT 135 giai đoạn II, mới càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của những chủ trương, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc vùng ĐBKK. Các dự án phát huy hiệu quả không chỉ là động lực để bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo điều kiện để các xã 135 phát triển theo kịp các xã vùng thấp.

Đổi mới


Để thực hiện Chương trình 135 đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực tham mưu giúp Chính phủ trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc giai đoạn II. Nét nổi bật nhất trong tiến trình triển khai CT 135 giai đoạn II là sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan thường trực với các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương; phát huy sức mạnh lòng dân trong việc thực hiện các hợp phần dự án...


Quá trình triển khai CT 135 có sự phối hợp khá chặt chẽ, đồng bộ; cơ chế quản lý có văn bản hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, phân cấp, trao quyền cho cấp huyện, cấp xã trực tiếp quản lý, điều hành các hợp phần. Sự phân cấp đã phát huy sức sáng tạo, nhiều địa phương đã lựa chọn được mô hình, phương thức, cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các công trình mục tiêu quốc gia được xây dựng dựa trên ý kiến của nhân dân; cơ quan chuyên môn chủ động thực hiện, huy động sức dân tham gia giám sát. Hầu hết các xã 135 được làm chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; 84% xã làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất. Xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập từ việc tham gia lao động xây dựng công trình.


Ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh thực hiện CT 135 theo nguyên tắc phát huy dân chủ, công khai quy mô, quy trình, kinh phí, đối tượng thụ hưởng từ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Đây là việc làm có vai trò quyết định, phát huy được nội lực trong nhân dân, khai thác được tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Nếu triển khai kế hoạch dựa trên nguyện vọng, nhu cầu chính đáng thì người dân hăng hái hưởng ứng và tạo điều kiện cho cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ; đồng tình ủng hộ chủ trương, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học và thâm canh, hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, dịch vụ nông nghiệp; nghề thủ công truyền thống từng bước được khôi phục, mở rộng.


CT 135 đi vào cuộc sống, phát huy sức sáng tạo, ý chí, nguồn lực của toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng ĐBKK; đời sống đồng bào DTTS từng bước phát triển bền vững. Vốn CT 135 đầu tư cho các xã ĐBKK, vùng đồng bào DTTS như luồng sinh khí mới, thổi bùng phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Nhà nước hỗ trợ sản xuất, đồng bào hưởng ứng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề ở nông thôn, tạo đà để những nơi được thụ hưởng chuyển nền sản xuất từ thuần nông, độc canh sang đa canh, đa nghề. Phải khẳng định rằng, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được cải thiện là kết quả của phong trào “Sản xuất, kinh doanh giỏi”. Trên khắp các miền đất nước đã xuất hiện nhiều tập thể lao động xuất sắc, cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi, mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đất nước hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình cho nông dân vùng sâu, vùng xa làm kinh tế giỏi là gia đình các ông: Chang Vàng Sinh, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu; Mào Văn Phì, bản Mường Toong, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé, Điện Biên) phát triển kinh tế trang trại trên đại ngàn với hàng chục con trâu, bò, hàng trăm con gia cầm, kết hợp khai hoang ruộng nước thâm canh bền vững, bảo vệ rừng. Nhiều nông dân gương mẫu trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu và hăng hái vận động, giúp đỡ người khác tập trung phát triển kinh tế hộ.


Ở những nơi thời tiết khắc nghiệt, địa hình chia cắt, thiên tai hoành hành, nhưng vẫn xuất hiện nông dân nghị lực, vươn lên thoát nghèo và giúp đồng bào cùng tiến bộ. Tiêu biểu là những lão nông vượt khó, làm giàu như: ông Hoàng Văn Hiệu, dân tộc Tày, hội viên nông dân xóm Pác Hoang, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng); ông Bàn Hữu Phong, dân tộc Dao, hội viên nông dân xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn); ông Hoàng Văn Phúc, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) và hàng triệu đồng bào đang ngày đêm hưởng ứng phong trào thi đua, xây dựng gia đình ấm no, quê hương đẹp giàu.


Nhìn tổng thể, CT 135 thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, người dân và cộng đồng quốc tế sâu sắc hơn về ý nghĩa to lớn của công trình “Ý Đảng, lòng dân”. Từ chỗ sản xuất mang tính tự cung, tự cấp đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, kỹ năng và tập quán sản xuất mới với những giống cây trồng vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt; nhiều dịch vụ xã hội được mở mang, phát triển; nhiều xã cơ bản hoàn thành mục tiêu, thoát khỏi diện đầu tư của CT 135 giai đoạn II.


Phát biểu tại Phiên giải trình về “Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đối với các dân tộc thiểu số rất ít người” mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định: Đồng bào các DTTS đã đồng lòng, chung sức, từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc và miền núi. Trong những năm qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông thôn vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiến bộ rõ rệt, to lớn và quan trọng, phát triển các mặt kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Điều đáng ghi nhận nữa là, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng... 

 

Bài và ảnh:Trọng Thủy

baomoi.com