An Dương “gấp rút” về đích

An Dương “gấp rút” về đích
Sau 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), An Dương (Hải Phòng) có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, còn 2/9 tiêu chí đang trong giai đoạn “gấp rút” hoàn thành để được công nhận huyện NTM vào cuối năm 2019.
tr2t.jpg
Trường học được quan tâm xây dựng, cải tạo (Công trình Trường Tiểu học Nam Sơn).

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM

Xác định việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM là khâu quan trọng để tạo nên bước đột phá trong việc xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân là việc làm cần thiết, những năm qua, An Dương đã chuyển đổi nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp sang trồng hoa, cây cảnh và nuôi trồng thủy sản mang giá trị kinh tế cao.

Đến nay, An Dương có hơn 350ha  hoa, cây cảnh; chủ yếu trồng hoa đào, hoa hải đường, hoa hồng cổ, hoa lan, hoa loa kèn, cây quất cảnh…, tập trung tại các xã Đồng Thái, Hồng Thái, Đặng Cương, Lê Lợi, Thị Trấn An Dương… Trên địa bàn huyện hình thành 5 làng nghề hoa, cây cảnh gồm: Làng Minh Kha (xã Đồng Thái), làng Kiều Trung (xã Hồng Thái), làng Tri Yếu (xã Đặng Cương), làng Đồng Dụ (xã Đặng Cương), làng Lương Quy (xã Lê Lợi).

Nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất cấy lúa cho năng suất thấp, hàng năm, những hộ dân trồng hoa, cây cảnh có mức thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/năm trở lên, có hộ trồng và kinh doanh lớn đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Giá trị trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 189,5 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 42 triệu đồng, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong XDNTM.

Bên cạnh đó,  An Dương cũng đẩy mạnh việc xây dựng đường giao thông nông thôn, góp phần cứng hóa các tuyến đường giao thông đã xuống cấp. 9 năm qua, huyện đã tiếp nhận trên 70.000 tấn xi măng, phục vụ việc xây dựng hơn 450km đường giao thông nông thôn. Nguồn kinh phí xây dựng được huy động với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó ngân sách thành phố, xã trên 120 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 190 tỷ đồng.

Gấp rút hoàn thành 2 tiêu chí chưa đạt

Ông Đỗ Khánh Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Dương, cho biết: “Năm 2018, huyện có thêm 6 xã hoàn thành các tiêu chí NTM, được UBND TP. Hải Phòng ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Quốc Tuấn, Hồng Phong, Lê Thiện, Đại Bản, Bắc Sơn và An Đồng. Đến nay, 15/15 xã cán đích NTM, góp phần sớm đưa An Dương sớm trở thành huyện NTM”.

Hiện tại, An Dương đã đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM gồm: giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo XDNTM. Hai tiêu chí còn lại gồm: quy hoạch, y tế - văn hóa - giáo dục chưa đạt do trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp vướng mắc, làm chậm tiến độ.

Để đến hết năm 2019, huyện về đích NTM, An Dương đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch phấn đấu thực hiện “gấp rút” hoàn thành 2 tiêu chí trên.

Theo đó, về tiêu chí quy hoạch, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng triển khai thực hiện.

Đối với các công trình trường học tại các xã trên địa bàn chưa hoàn thành và chưa có công trình phụ trợ,  An Dương sẽ tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công, khẩn trương bàn giao các công trình theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đồng thời, tiếp tục bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống công trình phụ trợ tại các trường học vừa hoàn thành xây dựng trong năm 2018 để các trường hoàn thiện tiêu chí về giáo dục, đề nghị công nhận đạt chuẩn trong năm 2019. Công trình xây mới Nhà văn hóa huyện An Dương sẽ triển khai xây dựng trong thời gian sớm nhất.

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, ngoài nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của thành phố cho các công trình, huyện An Dương tập trung đẩy mạnh thu ngân sách, tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu ngân sách đầu tư xây dựng các công trình NTM.

Hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai đồng bộ xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư đúng và trúng, An Dương sẽ đích NTM đúng lộ trình.

Theo Phạm Trang/kinhtenongthon.vn