An Giang: Chú trọng phát triển GTNT

An Giang: Chú trọng phát triển GTNT
Với sự đoàn kết chung sức của chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang, việc xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) đã gặt hái được nhiều thành quả. Đây cũng là tiền đề tạo điều kiện để An Giang từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang đã chỉ đạo tập trung xây dựng và nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống GTNT cùng với hệ thống thủy lợi.

Đường giao thông tại huyện Tri Tôn được nâng cấp mở rộng
Đường giao thông tại huyện Tri Tôn được nâng cấp mở rộng

Theo báo cáo của Sở GTVT An Giang từ năm 2001-2010, tổng kinh phí đầu tư cho GTNT là trên 1.000 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp trên 200 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng kinh phí thực hiện. Với số tiền này, nhân dân đã cùng với chính quyền địa phương hoàn thành trên 2.000km đường GTNT, sửa chữa và bắc mới 682 cây cầu. Đến nay trên 90% các tuyến đường trên toàn tỉnh đã được bê tông hóa. Riêng huyện Thoại Sơn, từ đầu năm tới nay đã sửa chữa xây mới được 132 cây cầu thay những cầu khỉ, cầu yếu...

Hiện toàn tỉnh còn 49 xã/156 xã đang thực hiện xây dựng đường GTNT theo tiêu chí mới, nghĩa là đã có 107 xã có đường giao thông đến trung tâm xã đạt chuẩn (trên 80%); hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất dân sinh, với gần 86%km kênh mương do xãquản lý được kiên cố hóa; gần 50% diện tích sản xuất nông nghiệp có hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh; gần 95% hộ dân nông thôn được sử dụng điện và gần 60 % hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vận động người dân cùng tham gia đóng góp, Hội Nông dân huyện Chợ Mới, Tri Tôn đã vận động hội viên nông dân hiến 30.240 m2 và 3 km đất để làm đường dẫn cầu Ông Chưởng và mở rộng đường liên ấp. Hội Nông dân các huyện trong tỉnh cũng đã vận động nông dân tham gia sửa chữa và làm mới 33 cây cầu, nâng cấp tu bổ 79,2 km đường GTNT, sửa chữa 2 công trình điện, nạo vét 2 tuyến kênh với chiều dài 12,8 km phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Phú Tân, đến nay, đã có nhiều công trình được thi công xây dựng, duy tu, sửa chữa cầu, đường nông thôn trên địa bàn. Đường GTNT đến trung tâm xã Phú Thành, đoạn từ ranh giới 2 xã Phú Long, Phú Thành đến cầu Kênh 5 đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại. Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện nạo vét xong mương Nhà Giảng thuộc xã Tân Hòa, dài 1.800m, hoàn thành đổ cát tôn nền đường dài 2.100m và đang tập kết đá cho công trình bê tông đường Bình Phú – Bình Thành, xã Phú Bình; đồng thời tổ chức phát quang giải phóng mặt bằng công trình làm mới đường Lộ sau (Kênh 16 đến Kênh 19) xã Phú Thạnh - Đây là những công trình giao thông thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ cho xã điểm.

Theo ông Tâm cái được lớn nhất qua mỗi lần thực hiện chiến dịch GTNT chính là tinh thần dân chủ trong dân lại được phát huy thêm một bước, tình đoàn kết nhất trí trong bà con cũng càng thể hiện rõ rệt. “Hè thông, đường thoáng là mơ ước từ bao đời nay của những người dân nơi đây. Do đó, khi Nhà nước có chủ trương làm đường hay bắc cầu là bà con rất nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, hoa màu trên đất và ngày công lao động, với mong muốn cùng với chính quyền địa phương nhanh chóng thực hiện hoàn thành các công trình và đưa vào sử dụng”, ông Tâm nói.

Đỗ Loan
Theo giaothongvantai.com.vn