An Giang: Chuyển đổi cây trồng phù hợp

An Giang: Chuyển đổi cây trồng phù hợp
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang, mỗi năm An Giang SX 3 vụ lúa với diện tích khoảng 620.000 ha, năng suất bình quân 6,38 tấn/ha, sản lượng 3,957 triệu tấn. Riêng thủy sản cho doanh thu mỗi năm khoảng 1.085 tỷ đồng.
07-32-00_nh_1_chuyen_doi_cy_trong_phu_hop_se_cho_thu_nhp_co_gp_nhieu_ln_so_voi_trong_lu_truyen_thong
Chuyển đổi cây trồng phù hợp cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa truyền thống.

Gần đây SX lúa gặp khó khăn về giá cả và đầu ra nên ngành nông nghiệp An Giang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đặc biệt, chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái và rau màu có giá trị kinh tế cao, một phần tăng vụ đối với cây màu có thị trường tốt.

Đặc biệt trong lúa vụ lúa Thu Đông 2019 UBND tỉnh An Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp giảm 20.000 ha đất lúa ở những vùng không thuận lợi SX, chuyển sang các loại cây trồng khác hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nhằm đảm bảo có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ: Để ngành nông nghiệp tăng trưởng một cách bền vững, trước mắt phấn đấu giá trị SX năm 2019 đạt 183 triệu đồng/ha, tăng 13 triệu đồng so năm 2018. Trong năm nay chủ yếu chuyển lúa sang khoai cao, sen, đậu nành rau, bắp non, ớt, rau ăn lá…

Để chủ động trong công tác chỉ đạo SX cần có kế hoạch, giải pháp kịp thời với những diễn biến ảnh hưởng đến SX. Căn cứ dự báo thời tiết kết hợp với tình hình thực tế ở địa phương đề ra lịch xuống giống và các giải pháp cụ cho ngành nông nghiệp.

Đề ra các giải pháp cụ thể để tăng năng suất bằng mức bình quân của 5 năm hoặc cao hơn, thực hiện rà soát lại các vùng có năng suất lúa thấp so với mặt bằng năng suất chung của tỉnh, để có giải pháp tập trung ưu tiên đầu tư cải tạo đất, thủy lợi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác cho những vùng này.

Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ về công tác dự tính dự báo tình hình dịch hại trên lúa, rau màu và cây ăn trái. Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiếp tục thực hiện thường xuyên và định kỳ. Giữ vững kết quả đạt được với các tiêu chí như trên 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, sạ lúa theo hàng, giảm mật độ sạ, giảm bón lượng phân đạm dư thừa, giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu...

Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, các giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa như phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái... trong đó tập trung nâng chất chương trình “1 phải 5 giảm” kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng nhằm xây dựng các vùng SX hàng hóa lớn bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

07-32-00_nh_2_nong_nghiep_cong_nghe_co_n_ging_dng_tp_trung_pht_trien
An Giang đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Song song đó triển khai và huấn luyện nông dân nhằm mở rộng diện tích áp dụng mô hình SX rau an toàn tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Thực hiện và nhân rộng các mô hình nhà lưới giá rẻ. Tiến đến áp dụng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, rau hữu cơ.

Ông Lâm cho biết thêm, từ nay đến cuối năm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực theo Quyết định số 16-QĐ/UBND, triển khai các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng SX, trong quá trình triển khai sẽ điều chỉnh, bổ sung các ngành hàng có lợi thế so sánh so với các vùng miền trên thế giới. Phối hợp đưa các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh tiếp cận thị trường. Phối hợp với các ngành dự báo thị trường, rà soát SX, duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển thị trường mới.

 Theo Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn