An Ninh phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

An Ninh phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã An Ninh (Quỳnh Phụ) đã phát huy tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động được nguồn lực xây dựng thành công NTM.
 
Khu dân cư phố Lầy, xã An Ninh (Quỳnh Phụ). Ảnh: Minh Đức
 
Ðồng chí Lương Hoành Doanh, Phó Bí thư Ðảng ủy xã An Ninh cho biết: Phát huy quyền làm chủ của người dân, những ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về đề án, chương trình, kế hoạch, mục tiêu xây dựng NTM. Khi triển khai thực hiện các tiêu chí, người dân được trực tiếp nghe, bàn bạc, góp ý kiến, thống nhất và quyết định những vấn đề liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Thành công đầu tiên trong xây dựng NTM ở An Ninh thể hiện qua công tác dồn điền đổi thửa (DÐÐT) và chỉnh trang đồng ruộng. Trong quá trình DÐÐT, cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt tư tưởng và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, vướng mắc trong nhân dân. Sau DÐÐT, bình quân số thửa giảm từ 5,6 thửa/hộ xuống còn 2 thửa/hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
 
Quyền làm chủ của nhân dân ở An Ninh được thể hiện rõ nét nhất trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Khi triển khai làm đường, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã phân công mỗi đồng chí lãnh đạo phụ trách từng thôn, cùng với các thôn tổ chức họp dân, phổ biến chủ trương, kế hoạch xây dựng, công khai các khoản kinh phí đầu tư của cấp trên để người dân tham gia đóng góp ý kiến, sau đó lựa chọn cách thức tổ chức thực hiện. Mỗi thôn chọn ra một khu dân cư làm điểm. Ðể bảo đảm dân chủ, khách quan, xã, thôn đứng ra hướng dẫn về cách làm, quy định thực hiện các thông số về kỹ thuật, người dân tự bàn bạc mức đóng góp, tự thi công, tự kiểm tra và giám sát công trình. Thấy được hiệu quả của mô hình điểm, lần lượt các khu dân cư trong thôn hưởng ứng làm theo, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp. Anh Nguyễn Văn Lập (thôn Vạn Phúc) cho biết: Các phần việc liên quan đến xây dựng NTM, chúng tôi đều được thông báo, công khai kinh phí xây dựng rõ ràng, được bàn bạc và thống nhất cách làm nên bà con trong thôn đều nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng góp công, góp của tham gia xây dựng. Toàn xã có 24 tuyến đường trục thôn với chiều dài 6,772km, 179 tuyến đường nhánh cấp I với chiều dài 12,732km, đường xóm với chiều dài 8,95km đã được cứng hóa theo đúng tiêu chuẩn NTM.
 
Việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ vay vốn sản xuất, trợ cấp xã hội cũng được xã và các thôn thực hiện công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Cấp ủy, chính quyền phối hợp với MTTQ và các đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để từ đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo được vay vốn sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 2,8%.
 
Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã đóng góp 87.943m2 đất để quy hoạch và xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh; đào đắp được 70.000m2 đất bờ vùng, bờ thửa, xây dựng gần 30km đường giao thông nông thôn và trục chính nội đồng với tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp hơn 16 tỷ đồng). Từ những kết quả đạt được, cuối năm 2014, An Ninh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về NTM.
 
Nguồn: baothaibinh.com.vn